Thủy sản Việt muốn Nga mở rộng cửa

Sau khi Nga tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản đối với 7 doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Nga mở cửa cho thêm doanh nghiệp khác xuất khẩu vào thị trường này

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) vừa có thông báo dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) cho 7 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản Việt Nam. Trong 7 DN này, có 5 DN chế biến, xuất khẩu cá tra, cá ba sa.

Cuối năm 2013, sau khi cử đoàn đến kiểm tra 8 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, Nga quyết định cấm nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam với lý do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 31-1-2014.

Theo số liệu thống kê, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Nga cá sống và đông lạnh, cá tươi/ướp lạnh, cá phi lê, nhuyễn thể…, trong đó, 70% là cá tra phi lê và trở thành 1 trong 10 quốc gia có khối lượng thủy sản xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này.

Thủy sản Việt muốn Nga mở rộng cửa - 1

Cá tra phi lê từng là hải sản chủ lực xuất khẩu sang thị trường Nga. Ảnh: THỐT NỐT

Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra (HHCT) Việt Nam, nhận định: “Trước đây, có thông tin một vài DN nhập khẩu lớn của Nga móc nối với một số DN thủy sản Việt Nam và chỉ cho những DN này xuất khẩu sang Nga. Sau đó, do 2 bên không thuận nhau nên phía Nga ban hành lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với những DN của Việt Nam. Đây là hình thức lợi ích nhóm và cần xóa bỏ”.

Theo ông Kịch, Nga đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên không cho các DN Việt Nam khác xuất khẩu vào thị trường này là việc làm không minh bạch. “HHCT Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT giải thích vì sao Nga là thành viên WTO mà vẫn để chỉ một số DN buôn bán với nhau và có giải quyết được vấn đề này hay không?” - ông Kịch nói.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng Thư ký HHCT Việt Nam, cho biết: “HHCT Việt Nam đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cử đoàn sang Nga để thương lượng một số vướng mắc trong quan hệ thương mại, đồng thời nhằm tạo sự công bằng, yêu cầu Nga mở cửa cho nhiều DN xuất khẩu vào thị trường này, chứ không gói gọn trong 7 DN”.

Cần có đầu mối đàm phán

Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), có 2 nguyên nhân dẫn đến việc Nga cấm nhập khẩu tạm thời đối với mặt hàng cá tra Việt Nam: Muốn siết chặt về chất lượng sản phẩm và chống độc quyền trong phân phối. Việc Nga gỡ bỏ lệnh cấm này là tín hiệu vui vì hiện có nhiều DN xuất khẩu trong nước đang tồn kho lớn. Tuy nhiên, DN trong nước cũng nên nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín trong làm ăn chứ đừng chạy theo số lượng hoặc phá giá lẫn nhau.

Ông Bình cho rằng nhiều DN không đồng tình với việc chỉ có 5 DN được xuất khẩu cá da trơn vào thị trường Nga sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ bởi lẽ giữa các thành viên WTO, tất cả DN đều phải được đối xử công bằng. Đề nghị cơ quan chức năng giao HHCT Việt Nam đàm phán với đối tác nước ngoài về chất lượng sản phẩm, giá cả trên nguyên tắc công bằng và minh bạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ca Linh - Thốt Nốt (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN