Phạm nhân giết người học Phật pháp mong ngày tạ tội

Là con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em, nhưng tính khí ngang ngược đã khiến Cảnh mất tất cả. Khi cầm dao giết người, Cảnh mới 21 tuổi.

Giờ đây, sau 10 năm thụ án, tâm trí của phạm nhân này đã thay đổi. Cảnh lo cho cha mẹ già nhiều hơn và trong thâm tâm phạm nhân này luôn nguyện ước một điều: Sẽ đến thắp nén nhang tạ lỗi cho người mà mình đã tước đoạt mạng sống.

Quá khứ tội lỗi

Mới 31 tuổi, nhưng nhìn Nguyễn Gia Cảnh già hơn rất nhiều so với tuổi. Tóc cắt cua, lốm đốm bạc. Khuôn mặt vuông vức trắng bệch cùng đôi mắt có phần ngờ nghệch của Cảnh làm cho người đối diện có phần ái ngại trong lúc chuyện trò. Nhưng cách nói chuyện của Cảnh lại khá lôi cuốn, không giống như cái vẻ bề ngoài có phần “cô hồn” của phạm nhân này.

Cảnh tâm sự: “10 năm trong trại đã làm tôi thay đổi mọi thứ. Từ dáng vóc đến suy nghĩ. Tôi hiểu được đây chính là cái giá phải trả cho tội lỗi mà mình đã gây ra”.

Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, ánh mắt, giọng nói của Cảnh như chậm hơn hẳn so với những câu chuyện mà anh ta kể cho tôi nghe về cuộc sống trong trại giam. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi nếu như không có giây phút “điên rồ” năm 21 tuổi thì có lẽ Cảnh đã chẳng có ngày hôm nay. Và cũng không có chuyện một người đàn ông phải chịu mức án chung thân cho hai tội danh giết người và cướp tài sản.

Không giống như đám bạn cùng trang lứa ở xã Đông Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ (Hà Nội), học hết lớp 12, Cảnh ở nhà chứ chẳng không học bất cứ một ngành nghề nào, mặc cho vùng quê mà Cảnh sinh sống vốn nổi tiếng với các nghề thủ công mỹ nghệ... Vô công rồi nghề, Cảnh chọn cho mình những trò chơi vô bổ để giết thời gian, đặc biệt là game online với đầy rẫy những trò đâm chém, bắn giết. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, chẳng mấy chốc mà Cảnh đã kết thân với những thành phần xấu, xa dần những lời dạy bảo của người mẹ khiến nhiều đêm bà phải khóc ròng vì tai tiếng của đứa con trai. Bố Cảnh cũng chẳng thể kiên nhẫn thêm được nữa bởi ông đã quá chán nản trước thói ngang ngược của đứa con cứng đầu này.

Bỏ nhà đi lang thang, Cảnh chấp nhận một cuộc sống “quăng quật” cùng với đám bạn cùng chung cảnh dạt nhà. Chính vì thế, khi không còn tiền tiêu xài, bạn bè mỗi đứa “kiếm ăn” một nơi, Cảnh chẳng lo được cho bản thân mình nữa. Chẳng khác gì, Cảnh nghĩ ra nhiều phương kế kiếm tiền trong cơn túng quẫn ấy là cướp tài sản của người khác.

Phạm nhân giết người học Phật pháp mong ngày tạ tội - 1

Phạm nhân Nguyễn Gia Cảnh

Cảnh đi mua một con dao nhọn giấu kỹ trong người chờ thời cơ ra tay. Khoảng 11h ngày 3/5/2004, lang thang ra khu chợ trung tâm huyện Chương Mỹ, Cảnh được anh L.H.T., hành nghề xe ôm ở khu vực này chào mời đi xe. Ban đầu, Cảnh không nghĩ mình sẽ thuê anh T. chở. Tuy nhiên, khi nhớ đến ý định từ trước đó, hắn gật đầu. Do từ sáng đến trưa, chưa được “cuốc” nào nay mới có khách, anh T. nhanh chóng chở Cảnh đi mà không hề biết được rằng đây là chuyến xe ôm cuối cùng của cuộc đời mình.

Thấy nạn nhân sập bẫy dễ dàng, Cảnh hướng dẫn anh T. đến cánh đồng thôn 5, xã Quảng Bị. Vừa đến khu vực này, thấy vắng vẻ, Cảnh lập tức “ra tay”. Đến đoạn đường xấu, phát hiện nạn nhân đi chậm, Cảnh liền rút dao đâm thẳng vào vùng sườn phải của anh T.. Nhận nhát đâm bất ngờ, nạn nhân điều khiển xe máy loạng choạng. Tuy nhiên, anh T. vẫn cố gắng chống cự và kêu cứu thật to. Cũng trong lúc này, cả T. và Cảnh đều ngã xuống mương.

Trước sự phản ứng của nạn nhân, Cảnh cuống cuồng bỏ chạy. Anh T. sau khi thấy hung thủ bỏ đi, nạn nhân đã cố bò lên rồi lết về phía thôn 5, xã Quảng Bị kêu cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, lại mất quá nhiều máu nên anh T. đã tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.

Nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân, Công an huyện Chương Mỹ và Công an tỉnh Hà Tây khẩn trương truy tìm hung thủ. Chỉ sau vài giờ điều tra, cơ quan công an đã xác minh Nguyễn Gia Cảnh (SN 1983), trú tại xã Đông Phương Yên chính là nghi can chính của vụ án.

Về phần Cảnh, sau khi gây án trở về nhà, anh ta tỏ ra hoang mang tột độ. Đến 23h cùng ngày, được sự động viên của người thân, Cảnh đã lên công an huyện đầu thú, đồng thời khai báo toàn bộ hành vi gây án của mình.

Học Phật pháp để tu thân

Cảnh tâm sự, ngày nhận mức án chung thân cho cả hai tội danh, đất dưới chân Cảnh như sụp xuống. “Ngay sau khi đâm anh T. và chạy về nhà, nói thật lúc đó tôi đã rất sợ hãi. Hơn nữa khi nghe tin anh T. đã chết khi đang trên đường đi cấp cứu, tôi thực sự hoảng và nói chuyện đó với mẹ. Nói thật với anh, cho đến tận thời điểm này, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh của mẹ khi tôi thú tội với bà. Nghe thấy tôi thú tội, bà như chết đứng, phải mất ít phút sau mới tĩnh tâm trở lại, đồng thời khuyên nhủ tôi ra cơ quan công an đầu thú bởi bà biết, dù có chạy đến cùng trời cuối đất cũng chẳng thể thoát được” – Cảnh cho biết thêm.

Nói về những người thân của mình, ánh mắt của Cảnh như buồn hơn. Cảnh tâm sự: “Mang tiếng bố mẹ sinh được bốn người con, hai trai, hai gái nhưng tôi và anh trai chẳng khác nào là những người bỏ đi. Tôi thì vậy, còn anh trai giờ cũng chẳng còn tương lai nữa. Nghĩ mà buồn quá nhà báo ạ! Cứ tưởng khi sinh được chúng tôi, bố mẹ sẽ an nhàn lúc về già nào ngờ cả hai đều vướng vào vòng lao lý. Giờ bố mẹ tôi chỉ biết trông chờ vào người chị đầu và cô em út”.

Cảnh cũng kể, năm 2011, trong một lần lên thăm con bà Nguyễn Thị M. (mẹ Cảnh) đã nuốt nước mắt thông báo cho đứa con tù tội này một thông tin: Anh trai mắc nghiện từ năm 2009. Năm 2011, phải đi trại cai nghiện theo diện bắt buộc. Cảnh buồn rầu cho biết: “Cho đến thời điểm này, tôi vẫn không có bất cứ một thông tin gì về anh ấy. Không biết anh ấy đã cai được hay chưa nữa. Nhiều đêm cứ nghĩ đến chuyện đó mà tôi chẳng thể chợp mắt được. Giá như có cơ hội quay lại quá khứ thì chắc chắn sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra”.

Chậm rãi lần chuỗi tràng hạt trên cổ tay, Cảnh tiếp tục câu chuyện của mình. Cảnh bảo cũng chính vì nhờ đọc, học Phật pháp trong đó có luật nhân quả đã giúp cho tâm hồn, suy nghĩ của Cảnh nhẹ đi rất nhiều. Sự dằn vặt vì hành vi của mình gây ra năm xưa đã được những suy nghĩ hướng thiện thế chỗ. Qua đó giúp Cảnh thanh thản hơn, cố gắng cải tạo để sớm trở về hòa nhập cùng cộng đồng.

Kể về quá trình học Phật pháp cách đây hơn hai năm, Cảnh cho biết: “Ban đầu, anh em trong trại tìm sách và tài liệu để học. Thấy thế, các cán bộ quản giáo cũng trợ giúp đỡ rất nhiệt tình như tìm các tài liệu, các bài học liên quan đến Phật pháp. Cũng chính vì thế mà giúp tôi hiểu ra được nhiều hơn. Qua đó mà biết được chúng ta sinh ra ở đâu và cần phải làm gì? Việc này cũng giúp cho anh em rất hòa thuận, an tâm trong quá trình cải tạo, cán bộ tin tưởng”.            

Mong khỏe mạnh để được tạ tội với gia đình nạn nhân

Nói về suy nghĩ của mình khi nhớ tới chuyện cách đây hơn 10 năm, Cảnh bảo: “Dù sao thì mọi chuyện cũng xảy ra rồi. Bây giờ tôi chỉ có một mong ước duy nhất đó chính là có sức khỏe để cải tạo thật tốt. Qua đó mới có cơ hội được giảm án và mong có được một ngày được đến nhà nạn nhân, để thắp cho chú ấy một nén nhang tạ lỗi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Bắc - Phan Tuấn (Đời Sống & Pháp Luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN