Được kháng nghị hủy án sau 14 năm thụ án chung thân

Đó là bị án Huỳnh Văn Nén, người bị kết án chung thân về hai tội giết người và cướp tài sản, hiện vẫn còn đang thụ án. Ông Nén cũng là người bị oan trong vụ án “vườn điều” do cùng một điều tra viên thụ lý.

Ngày 14/9, một nguồn tin cho biết viện trưởng VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đề nghị TAND Tối cao hủy bản án hình sự sơ thẩm (số 96/HSST ngày 31-8-2000) của TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra, xét xử lại. Bản án này đã kết án chung thân Huỳnh Văn Nén (52 tuổi) về hai tội giết người và cướp tài sản. Quyết định kháng nghị này cũng sẽ được gửi đến Trại giam Z30A của Bộ Công an (ở Đồng Nai), nơi ông Nén đang thụ án 14 năm qua.

Như vậy, vụ án giết người, cướp của 16 năm trước gây chấn động ở Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) đã chính thức được lật lại.

“Phá án đúp”

Ngoài vụ án nói trên, Huỳnh Văn Nén còn là người bị kết án oan bảy năm tù về tội giết người trong vụ án “vườn điều” từng nổi tiếng cả nước. Trong vụ “vườn điều”, chín người bị kết án oan đã được trả tự do, được bồi thường, xin lỗi công khai, riêng ông Nén đến nay vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào. Ngược lại, ông vẫn đang ở tù vì vụ án khác mà viện trưởng VKSND Tối cao vừa kháng nghị.

Lật lại hồ sơ, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và cử điều tra viên Cao Văn H. tiến hành điều tra.

Được kháng nghị hủy án sau 14 năm thụ án chung thân - 1

Bị cáo Huỳnh Văn Nén cởi áo tại phiên tòa sơ thẩm, tố cáo bị điều tra viên dùng nhục hình. Ảnh: PN

Thời điểm trên ai ở Tân Minh cũng đều biết Huỳnh Văn Nén là kẻ tưng tửng, suốt ngày lê la ngoài chợ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền cơm rượu. Sau vụ án mạng nói trên xảy ra, trong khi cơ quan điều tra đang chưa tìm ra hung thủ, rượu vô, Nén thường vỗ ngực cho rằng chính mình là người đã giết bà Bông.

Gần một tháng sau ngày nạn nhân bị giết, Nén bị khởi tố, bắt giam. Sau này tại tòa, Nén đã khai rằng điều tra viên Cao Văn H. đã đánh đập, mớm cung, ép cung nhiều ngày liền để buộc Nén phải khai nhận tội.

Sau khi Nén nhận giết bà Bông, điều tra viên tiếp tục dấn thêm bước nữa bằng cách buộc Nén phải khai nhận đã cùng với gia đình bên vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” đã xảy ra năm năm trước đó.

Để thoát án tử hình, theo mớm cung của điều tra viên, Nén khai một mạch chín người trong gia đình vợ mình tham gia giết người trong vụ án “vườn điều”. Từ lời khai này, ba thế hệ trong một gia đình gồm chín người và cả Nén bị truy tố và kết án oan. Sau này cả chín người này đều được minh oan, còn hung thủ trong vụ án “vườn điều” mãi đến nay vẫn chưa ló dạng.

Chứng cứ mâu thuẫn vẫn kết tội

Trở lại vụ án giết bà Bông, hôm đưa Nén về dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của hàng trăm người, Nén đứng đực mặt ngớ ngẩn và nói với điều tra viên: “Em có biết gì đâu!”. Nhưng rồi sau đó, ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt Nén tù chung thân cho cả hai tội giết người và cướp tài sản. Sau phiên tòa sơ thẩm, “hung thủ” ngớ ngẩn Huỳnh Văn Nén đã không biết làm đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm vì vậy có hiệu lực pháp luật. Từ đó Nén thụ án chung thân cho đến nay.

Hồ sơ truy tố Huỳnh Văn Nén chỉ xem qua đã thấy hàng loạt mâu thuẫn. Cáo trạng ghi: “Phía hiên nhà chính hướng Tây Nam phát hiện một dấu bàn chân không dép in hằn dưới cát có kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm (…). Phía trong nhà trên mặt ghế sa lông bọc da có ba dấu chân không dép, in đất trên mặt ghế, có kích thước 22 x 8 cm, gót rộng 4 cm”. Rõ ràng đã có hai dấu chân với hai kích cỡ khác nhau, trong khi Nén nhận một mình giết người. Một người có chút ít kinh nghiệm điều tra đã có thể phát hiện ra mâu thuẫn này. Thế nhưng điều tra viên đã không tiến hành so sánh trực tiếp dấu vết ở hiện trường và dấu chân của Nén.

Còn nữa, tại hiện trường, cơ quan điều tra và người dân phát hiện một con dao phay cán bằng gỗ tròn, mũi nhọn, dài khoảng 30 cm nằm sát hàng rào nhà bà Bông. Nhưng khi lập biên bản thu thập vật chứng thì con dao này không còn ở đó. Mặt khác, tại giếng nước nhà bà Bông còn có một con dao khác, mũi dao không nhọn, dài khoảng 20 cm. Có thể nào cùng một lúc Huỳnh Văn Nén sử dụng đến hai con dao để cắt dây dù làm hung khí gây án? Đương nhiên cơ quan tố tụng không hỏi câu này nên hồ sơ cũng không có câu trả lời.

Ngoài ra, theo lời khai của Nén, sau khi dùng dây dù siết cổ bà Bông chết, Nén cầm dây theo và ném bỏ gần đường mòn. Thực tế khi thu hồi tang vật, sợi dây dù nằm trên một bãi cỏ khác cách xa đường mòn nơi Nén khai hơn 100 m. Trong khi đó, tại phòng khách nhà bà Bông còn có thêm một sợi dây dù nữa dài 1 m! Vậy là cùng một lúc có hai sợi dây dù gây án, không biết dây nào là thật, dây nào là giả.

Chưa hết, theo lời khai của Nén thì giết bà Bông để lấy một chỉ vàng bọc vào túi áo và bị rớt khi bỏ chạy từ đường mòn ra bờ suối. Trong lúc tháo chạy, Nén còn lấy một ổ khóa trong nhà bà Bông để phòng vệ và sau đó đã ném ổ khóa vào lùm cỏ gần đường mòn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thu được hai vật chứng trên.

Hung thủ là hai người khác?

Ngày 2/9/2000, hai ngày sau khi phiên tòa sơ thẩm xử Huỳnh Văn Nén, anh Nguyễn Phúc Thành (trú Tân Minh, lúc đó đang thụ án về tội cố ý gây thương tích tại trại giam Sông Cái ở Ninh Thuận) nghe loáng thoáng Nén đã bị kết án tử hình trong vụ giết bà Bông. Thành biết rõ hai người bạn thân của mình mới là thủ phạm giết chết bà Bông, còn Nén đã bị kết án oan.

Lương tâm trỗi dậy, lập tức Thành xin giấy bút viết ngay đơn tố giác gửi ban giám thị trại giam.

Theo đơn của Thành thì chính Nguyễn Th. và Hồ Văn V. (đều ngụ Tân Minh) đã giết chết bà Bông. Sau khi gây án, Th. và V. đã kể lại cho Thành biết ý định không phải là giết bà Bông mà là con gái bà vì cô này có đeo nhiều nữ trang. Sau khi đột nhập vào bếp, Th. lấy hai con dao đưa cho V. một con, sau đó ra giếng cắt dây dù rồi vào bếp mai phục con gái bà Bông đi bán về. Do ngấm rượu, cả hai đều ngủ say cho đến khi bà Bông bán ở chợ về phát hiện. Th. đã dùng dây dù siết cổ bà Bông cho đến chết mặc dù V. đã lên tiếng ngăn cản. Th. còn đưa chiếc nhẫn cướp được cho anh Thành xem và sợ anh Thành chưa tin, y còn chỉ vết máu dưới lai quần và cho biết đó là máu ngón tay của nạn nhân khi tháo nhẫn đã bị trầy. Sau đó Th. đã rủ anh Thành gọi xe ôm chở vào một tiệm vàng ở xã Xuân Hòa, Xuân Lộc (Đồng Nai) bán lấy tiền. Sau đó thì Th. đón xe đi biệt tích…

Đơn tố giác này hết sức phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, trùng khớp với việc quản lý nhân khẩu của Công an xã Tân Minh. Theo đó, Nguyễn Th. đã đi khỏi địa phương từ cuối tháng 4/1998, còn Hồ Văn V. rời khỏi địa phương từ đầu tháng 9/2000 (sau khi Nén bị xử tù chung thân).

Nội dung đơn tố giác của anh Thành đã được chuyển cho Cục V26 - Bộ Công an. Sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận lại cử điều tra viên Cao Văn H. đi xác minh.

Theo luật sư Phạm Hồng Hải và Trần Vũ Hải thì ông H. đến trại giam gặp anh Thành chủ yếu là răn đe và lập biên bản nhưng không ghi đầy đủ, chính xác lời khai của anh Thành. Theo các luật sư trên, cơ quan điều tra giao cho ông Cao Văn H. đi xác minh là không đảm bảo khách quan. Một người đã được khen thưởng về “thành tích phá hai vụ án giết người nghiêm trọng” lẽ nào lại có thể xác minh công tâm đơn tố giác của anh Thành để điều tra theo hướng khác, tức là chối bỏ thành tích và kết quả điều tra trước đó của chính mình.

Vì vậy, đơn tố giác nói trên sau đó rơi vào im lặng âu cũng là điều dễ hiểu. Một thời gian sau, điều tra viên Cao Văn H. bị sa thải khỏi ngành công an do có sai phạm trong một vụ án ma túy…

Hy vọng từ kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ.

Những xác minh ban đầu

Sau thời gian dài gia đình bị án Huỳnh Văn Nén kêu oan và báo chí vào cuộc phản ánh, tháng 12/2013, Tổng cục VIII - Bộ Công an đã cử cán bộ đến Tân Minh làm việc với gia đình. Ngày 16/4/2014, ông Đinh Khắc Tiến, lãnh đạo một đơn vị nghiệp vụ của VKSND Tối cao, cùng hai kiểm sát viên cao cấp vào Tân Minh làm việc với ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Hàm Tân. Các cán bộ VKSND Tối cao cũng đã làm việc với anh Nguyễn Phúc Thành, người đứng đơn tố giác (đã ra tù) và ông HNN, người hành nghề chạy xe ôm, được cho là đã trực tiếp chở hai hung thủ giết bà Bông đi bán vàng.

Ngoài ra, đại diện VKSND Tối cao cũng đã làm việc với chủ tiệm vàng TP ở Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Bùi Minh Đăng (nguyên Phó Công an xã Tân Minh, hiện là phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Tân Đức, Hàm Tân, người đã khẳng định thời điểm xảy ra vụ án bà Bông, Th. và V. có mặt tại Tân Minh chứ không ngoại phạm như báo cáo của điều tra viên đã nêu)…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nam (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN