Giải mã hiện tượng hòn đá tự phát sáng trong đêm

Đá phát sáng thường do tích trữ quang, nhiệt, nhưng hòn đá đặc biệt của ông Hùng lại không bị giảm độ sáng dù đã cất trong tủ cả tuần liền.

Đá phát sáng tự nhiên không phải là một hiện tượng lạ, nhưng đặc tính này của nó luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà khoa học, những người đam mê nghiên cứu, sáng tạo.

Thực tế, con người đã có thể tạo ra loại đá nhân tạo này bằng phương pháp ép và nung nhiệt. Một chuyên gia trong lĩnh vực đồ trang sức, đồ cổ đang làm việc tại Công ty vàng bạc đá quý SJC, cho biết: “Các viên đá nhân tạo có khả năng phát sáng được chế tạo bằng phương pháp ép và nung nhiệt như trong kỹ nghệ sành sứ. Vật liệu làm đá có trộn chất phát lân quang, giúp đá phát sáng trong bóng tối sau khi hấp thu quang, nhiệt”.

Theo chuyên gia này, những loại đá nhân tạo đó phải được đặt dưới ánh sáng mặt trời, đèn điện, ngoài trời nắng,… hoặc cung cấp nhiệt lượng trong một khoảng thời gian tối thiểu thì mới có thể phát sáng khi để trong bóng tối.

Giải mã hiện tượng hòn đá tự phát sáng trong đêm - 1

Hòn đá phát ra ánh sáng xanh đẹp mắt.

“Đơn giản có thể hiểu đá phát quang nhân tạo sẽ tích trữ quang và nhiệt, sau đó phát ra ánh sáng. Một số loại đá tự nhiên cũng tương tự, thậm chí chất phosphorite trong các viên đá tự nhiên còn có thể gây tóe lửa khi cọ sát chúng với nhau”, chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện tượng hòn đá tự phát sáng như của ông Châu Chí Hùng (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lại khác. Ông Hùng khẳng định, ông không thấy hòn đá giảm độ sáng dù đã cất kỹ trong tủ cả tuần. Do đó, để kiểm chứng lại nguồn sáng của hòn đá, ông Hùng sẽ tiếp tục giữ nó trong bóng tối thêm một khoảng thời gian dài hơn. Trước đó, khi khả năng phát sáng của hòn đá chưa được ông Hùng phát hiện thì ông vẫn chỉ để nó ngoài sân. Hiện các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoáng học vẫn chưa thể giải đáp chính xác những bí ẩn xung quanh hòn đá tự phát sáng của ông Hùng.

Song TS. Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng khoa địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng: “Nhìn qua hình ảnh thì có thể thấy, hiện tượng phát sáng của hòn đá trên không có gì quá lạ, nhưng nó thật sự là một đề tài hay để nghiên cứu thêm”.

TS. Nguyễn Kim Hoàng chưa trực tiếp nhìn thấy hòn đá nên tạm thời chưa thể đưa ra đánh giá nào thêm, nhưng tiến sĩ hứa hẹn sẽ nói được nhiều điều hơn về hòn đá khi nhìn thấy nó.

Giải mã hiện tượng hòn đá tự phát sáng trong đêm - 2

So sánh màu sắc của hòn đá ở trạng thái bình thường (bên trái) và khi phát quang (bên phải).

Trước đó, hai đồng nghiệp của TS. Nguyễn Kim Hoàng là thạc sĩ Đinh Quang Sang và thạc sĩ Phạm Tuấn Long, cán bộ giảng dạy thuộc bộ môn khoáng thạch của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã ghé thăm và “mục sở thị” hòn đá bí ẩn này.

Nói về hiện tượng hòn đá không bị giảm độ sáng theo thời gian dù để trong bóng tối nhiều ngày, TS. Nguyễn Kim Hoàng cho rằng: “Nếu đó là một hòn đá phát sáng do tích quang, nhiệt như nhiều loại đá khác hiện nay thì chắc chắn sẽ bị giảm độ sáng theo thời gian. Tuy nhiên, cũng có thể vì hòn đá khá to (nặng 6kg, dài 25cm - PV) nên năng lượng tích trữ nhiều hơn và cần giữ liên tục trong bóng tối lâu hơn nữa để xác định chính xác”.

Riêng về thành phần cấu tạo, niên đại và thời gian tồn tại của hòn đá trên, các nhà chuyên môn cần lấy mẫu để giám định bằng những thiết bị, công nghệ hiện đại thì mới đưa ra kết luận chính xác được.

Theo ông Hùng - chủ nhân của hòn đá, và là một tay chơi đá kiểng, bon sai có tiếng ở tỉnh Đồng Nai, hòn đá đã tồn tại trong nhà ông từ hơn 10 năm nay, nhưng cách đây hơn chục này, trong một lần đi vệ sinh vào lúc nửa đêm thì ông mới vô tình nhìn thấy nó phát sáng một cách kỳ lạ. Ánh sáng phát ra có màu xanh dương, ở nơi càng tối thì nó càng sáng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều hòn đá mà ông đã sưu tầm được trong suốt nhiều năm qua tại khắp các vùng miền. Do đó, bản thân ông Hùng cũng không thể biết chính xác mình đã mang nó về từ đâu và từ khi nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN