Vụ MH370: Tàu ngầm cũng phải đầu hàng Ấn Độ Dương

Tàu ngầm mini đã phải tự nổi lên vì không chạm được tới đáy Ấn Độ Dương.

Ngày 15/3, nhà chức trách Úc cho biết tàu ngầm mini Bluefin-21 của hải quân Mỹ đã phải tạm ngừng sớm hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích MH370 dưới đáy biển Ấn Độ Dương vì vùng biển này quá sâu vượt quá giới hạn hoạt động của nó.

Tàu ngầm mini Bluefin-21 đã được hạ thủy ngày hôm qua để quét địa hình đáy biển Ấn Độ Dương tại khu vực tìm kiếm nhằm phát hiện các vật thể lạ ở độ sâu khoảng 4.500 mét. Sau khi mất khoảng 2 tiếng để lặn xuống đáy biển, dự kiến tàu ngầm này sẽ hoạt động liên tục trong vòng 16 giờ để dò tìm xác máy bay càng nhanh càng tốt.

Vụ MH370: Tàu ngầm cũng phải đầu hàng Ấn Độ Dương - 1

Thủy thủ tàu Ocean Shield hạ thủy tàu ngầm mini Bluefin-21

Tuy nhiên chỉ sau 6 giờ hoạt động, tàu ngầm mini đã phải tạm ngừng tìm kiếm và tự nổi lên mặt nước vì vùng biển mà nó khảo sát vượt quá độ sâu 4.500 giới hạn của nó.

Trung tâm Điều phối Hỗn hợp tìm kiếm MH370 của Úc cho biết: “Chính cơ chế an toàn tích hợp trong tàu ngầm đã tự kích hoạt và buộc tàu ngầm nổi lên mặt nước. Hiện chúng tôi đã trích xuất và phân tích dữ liệu trong 6 tiếng đồng hồ khảo sát đáy biển của nó.”

Việc hạ thủy tàu ngầm Bluefin-21 ngày hôm qua được cho là đánh dấu một giai đoạn mới trong suốt 6 tuần tìm kiếm MH370. Lực lượng cứu hộ đã thu hẹp được phạm vi tìm kiếm đáng kể nhờ vào 4 tín hiệu âm thanh mà họ thu được hồi tuần trước.

Bluefin-21 được hạ thủy sau khi lực lượng cứu hộ không nghe thấy bất cứ tín hiệu nào từ hộp đen chiếc máy bay mất tích nữa, và họ tin rằng pin trên hộp đen đã chết hẳn khiến nó không còn khả năng phát tín hiệu.

Hôm qua, tướng Angus Houston, chỉ huy Trung tâm Điều phối Hỗn hợp tuyên bố: “Chúng tôi không dò được bất cứ tín hiệu nào mới trong suốt 6 ngày qua, nên tôi cho rằng đã đến lúc tìm kiếm dưới lòng biển.”

Vụ MH370: Tàu ngầm cũng phải đầu hàng Ấn Độ Dương - 2

Cơ chế hoạt động quét đáy biển bằng sóng thủy âm của Bluefin-21

Lực lượng tìm kiếm cũng đang xem xét một vệt dầu loang mà họ vừa mới phát hiện tại khu vực tìm kiếm. Các thủy thủ trên tàu đã thu thập mẫu dầu loang và gửi lên bờ xét nghiệm.

Thủ tướng Úc Tony Abbott tiếp tục tỏ ra thận trọng về chiến dịch tìm kiếm MH370 và nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm bất cứ thứ gì nằm ở độ sâu 5000 mét dưới mực nước biển ở Ấn Độ Dương cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.

Tàu ngầm Bluefin-21 là thiết bị chuyên dụng để khảo sát đáy biển sâu. Nó sử dụng các chùm sóng thủy âm để quét địa hình đáy biển, và dữ liệu này sẽ được phân tích để phát hiện bất cứ vật thể đáng ngờ nào nằm trên đáy biển. Tàu ngầm này có thể hoạt động trong 24 giờ liên tục và quét được khoảng 40 km vuông đáy biển.

Theo Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, việc tìm kiếm bằng tàu ngầm Bluefin-21 có thể kéo dài tới 2 tháng nếu mọi việc diễn biến thuận lợi và độ sâu của vùng biển tìm kiếm nằm trong giới hạn hoạt động 4.500 mét của tàu ngầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Blooberg) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN