Sự thật kho báu khổng lồ dưới nền cổ miếu ở Sóc Trăng

Từ lâu, người dân tại thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) thường rỉ tai nhau về những câu chuyện huyễn hoặc tại ngôi miếu cổ với nhiều chi tiết ly kỳ. Gần đây, nhiều người hiếu kỳ còn đồn đại dưới nền ngôi cổ miếu chôn giấu kho báu khổng lồ. Chính vì tin đồn này, ngôi cổ miếu Ba Thắc đã từng chứng kiến nhiều cuộc truy tìm kho báu ly kỳ xảy ra.

Cuộc truy tìm kho báu bí ẩn

Khi trùng tu miếu cổ Ba Thắc (huyện Mỹ Xuyên), nhiều thợ hồ đã tình cờ phát hiện ra một số chén bát bằng men sứ có ấn đỏ, tiền đồng và cả xương người… bị vùi lấp dưới nền gạch. Từ đó, nhiều người quả quyết dưới miếu chôn giấu một kho báu khổng lồ. “Năm 2002, khi cổ miếu xuống cấp, ban trị sự đã họp bàn và quyết định trùng tu lại toàn bộ. Khi đào phần móng và sân miếu, nhiều thợ hồ đã đào thấy những mảnh chén bát vỡ, có người còn thấy cả dao bằng đồng… Chỉ vài ngày sau, rất nhiều người lạ tìm tới dò hỏi, có người còn một mực nói dưới miếu chôn giấu một kho báu khổng lồ. Tôi còn nhớ, lần đó có hai người từ TP. HCM xuống thỏa thuận rằng, để họ tìm cổ vật nếu thấy sẽ chỉ lấy 10% giá trị. Thế nhưng, vì đây là khu văn hóa tâm linh nên ban trị sự nhất quyết không đồng ý. Sau lần ấy, chúng tôi đã vài lần phát hiện có người lén lút đào bới tìm khu báu”, bà Ngô Thị Yến (62 tuổi, người giữ miếu 20 năm nay) cho biết.

Sau những tin đồn vô căn cứ ấy, khu miếu cổ trở thành địa điểm truy tìm báu vật của dân săn cổ vật tai khu vực miền Tây. Họ đưa ra hàng trăm lý do để đào xới xung quanh cổ miếu hòng tìm ra manh mối của kho báu nhưng kết quả nhận được chỉ là những bộ hài cốt mục nát. “Thời gian đó, số người tới lén đào bới tìm kho báu rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất là vụ đào trộm vào đêm 15/5/2003. Tối hôm đó, tôi đang ngủ thì chợt nghe thấy có tiếng la thất thanh phát ra từ phía sau miếu. Lần theo tiếng la hét, tôi liền chạy ra nhưng khi tới nơi thì không còn ai ngoài những vật dụng họ bỏ lại và một hố sâu đầy xương. Sau đó, chúng tôi đành chôn cất những hài cốt không ai thừa nhận vào một ngôi mộ, gọi là mộ vô danh…”, bà Yến kể.

Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi được nhiều người dân nơi đây khẳng định: Lời đồn đại về kho báu dưới chân cổ miếu là có căn cứ. Theo họ, không ngẫu nhiên mà khu vực miếu lại xuất hiện nhiều xương người tới vậy, nhất là những câu chuyện kỳ quái được lưu truyền trong dân gian hàng trăm nay. Một số người còn cho rằng, những bộ xương người kia là của lính gác kho báu cho phò mã Ba Thắc năm xưa. Sau đó, những người này nổi loạn định cướp kho báu nên xảy ra một cuộc huyết chiến dẫn tới hàng ngàn người phải bỏ mạng.

“Từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe ông cố kể lại rằng khu miếu này rất linh thiêng. Theo cố tôi, trong miếu có cặp rắn lớn làm nhiệm vụ giữ kho vàng cho phò mã Ba Thắc. Những bộ xương kia chính là của những kẻ có ý định trộm kho báu nên bị “rắn thần” giết chết. Tin vào giai thoại này, nhiều người quanh khu vực dù tò mò vẫn không dám mạo hiểm vào miếu đào bới”, anh Ngô Văn Toàn (34 tuổi, ngụ tại địa phương) kể. Giải mã sự thật về kho báu khổng lồ dưới nền cổ miếu ở Sóc Trăng 2

Sự thật kho báu khổng lồ dưới nền cổ miếu ở Sóc Trăng - 1

Anh Ngô Văn Toàn trò chuyện với người viết. Ảnh TG

Nhưng nhiều người lại tin rằng, khu miếu không hề có kho báu. Những chuyện mọi người thường rỉ tai nhau chỉ là những truyền thuyết không có căn cứ. Những bộ xương người kia có thể là do trước đây khu vực này là một khu nghĩa địa hay một chiến trường ác liệt thời xưa. “Thật sự, tôi không tin nơi đây có kho báu gì cả, chỉ vì hám lợi một số đối tượng đã phao tin đồn nhảm để câu kéo người khác tìm tới khu vực này. Những chuyện mà mọi người vẫn thường kể về rắn thần hay cây chữa bệnh tôi cũng nghe qua nhưng chưa từng thấy bao giờ”, cô Lan (65 tuổi), một người sống trước cổ miếu, bức xúc. Sự thật “lãng xẹt” về kho báu khổng lồ

Để tìm hiều về lời đồn kho báu tại Cổ miếu Ba Thắc khiến cho hàng trăm người lén lút tìm đến khai quật, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Văn Minh (SN 1951, Phó ban Trị sự quản lý cổ miếu Ba Thắc) và được ông cho biết: “Theo ông bà tôi kể lại, ngôi miếu xa xưa được cất bằng cây gỗ tạp theo lối kiến trúc cổ của người Kh’mer. Lúc đó thưa người, cây cối rập rạm, ngôi miếu nhỏ nằm ẩn mình sâu trong góc rừng. Chính vì sự hoang vu ấy, ngôi miếu quả thật từng có một cặp rắn lớn sinh sống. Sau này dân cư đông đúc, cặp rắn ấy cũng bỏ đi. Tuy nhiên, những truyền thuyết ly kỳ thì chủ yếu do người dân thêu dệt”. Theo ông Minh, tin đồn về kho báu chỉ xuất hiện từ khi những người thợ hồ đào được một số cổ vật trong quá trình trùng tu miếu. Sau đó một thời gian, cổ miếu Ba Thắc lại có một nhóm người Trung Quốc tìm đến dò hỏi, khảo sát, khiến dư luận càng thêm hiếu kỳ. “Trên thực tế, đoàn người nói trên là khách du lịch. Họ thấy phong cảnh ngôi miếu hữu tình, lại nghe chuyện nơi đây từng đào được xương người nên tìm tới thăm viếng”, ông Minh khẳng định.

Nói thêm về nguồn gốc bãi xương người trên nền đất cổ miếu Ba Thắc, ông Minh cho biết: “Nhiều nhà nghiên cứu tới tìm hiểu đã nêu giả thuyết cho rằng, nơi đây từng là chiến trường quyết tử giữa quân Xiêm với quân Tây Sơn. Khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, thống lĩnh 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền, hợp cùng 1.000 quân của Nguyễn Phúc Ánh từ Kiên Giang kéo lên Gia Định. Đồng thời vua Xiêm phái thêm 2 tướng Lục Côn và Sa Uyển phối hợp cùng với Chiêu Thùy Biện (một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm) đem hai đạo binh trên 3 vạn người, hành tiến sang Chân Lạp rồi đánh thốc xuống Gia Định. Liên quân tiến vào sông Ba Thắc và dừng lại tại rạch Trà Tân. Trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa thấy sức giặc quá mạnh, ra lệnh cho các nơi vừa chặn đánh vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng. Quân Tây Sơn giữ đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Châu Đốc ở biên cương rút về Cần Thơ. Quân Xiêm đuổi theo. Quân Tây Sơn theo bờ Hậu Giang lui dần xuống Ba Thắc. Quân Xiêm đuổi đến Ba Thắc bị quân Tây Sơn phục kích đánh cho một trận tơi bời phải thối lui. Tại Rạch Gầm - Xoài Mút trên sông Tiền Giang, một đạo quân Xiêm cũng bị quân Tây Sơn phục kích đánh tan tác. Có thể nói, mặt trận Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ diễn ra trên sông Tiền mà kéo dài sang sông Hậu, đến tận Bãi Xàu - địa điểm ngôi miếu cổ Ba Thắc tọa lạc.

Kết thúc trận chiến, 5 vạn quân Xiêm chỉ còn sống sót vài nghìn tìm đường về nước bằng nhiều đường khác nhau. Hàng vạn tử thi chồng chất lên nhau là điều không tránh khỏi. Có thể khu vực miếu cổ Ba Thắc là nơi quân Tây Sơn phục kích quân Xiêm do đó nền sân miếu chính là nấm mồ tập thể chôn quân Xiêm tử trận. Theo truyền thống nhân đạo, nhân dân Ba Thắc đã cất một ngôi miếu nhang khói chung cho những người chết trận. Để tượng trưng chung cho những người trận vong, dân địa phương dùng một cục đá hình đầu người đặt trong miếu. Do chưa ai thực sự chứng minh được nguồn gốc những bộ xương kia từ đâu mà có, công với những truyền thuyết quanh ngôi miếu khiến cho những người dân quanh vùng càng trở nên tò mò. Trong sâu thẳm trí óc họ, nơi đây vẫn là một trốn linh thiêng, huyền bí chưa thể khám phá”.

Kho báu và bãi xương người có liên quan?

Bà Thái Thị Hồng Xuân, Phó phòng văn hóa- thông tin huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Chuyện này đã xuất hiện từ rất nhiều năm nay nhưng đó chỉ là những lời đồn thổi vô căn cứ. Nhất là chuyện xuất hiện bãi xương người trên mặt đất càng khiến người dân thêm phần tin tưởng. Thời gian qua, ban văn hóa huyện đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu để tránh việc họ đào bới làm ảnh hưởng tới cảnh quan của cổ miếu. Còn việc làm sáng tỏ những bộ xương kia có liên quan gì đến chuyện kho báu hay không thì cần có thời gian. Phòng văn hóa đã có đề xuất lên tỉnh xin ý kiến, nếu được chấp thuận thì trong thời gian tới sẽ tiến hành khai nghiên cứu tìm ra nguồn gốc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Châu (Giadinh.net.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN