Sáng nay, gia đình nhận lại tử thi Nguyễn Đức Nghĩa

Tử thi của Nguyễn Đức Nghĩa đã được gia đình nhận lại và đưa về quê trong sáng nay.

Sáng nay (23/7), thi thể tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã được trao trả cho gia đình tại bệnh viện 198 (Bộ Công an). Hôm qua, sau khi Nguyễn Đức Nghĩa bị xử tử, gia đình đã nhận được thông báo nhưng sáng sớm nay mới lên Hà Nội kịp để làm thủ tục nhận xác. Gia đình Nguyễn Đức Nghĩa đã thuê ô tô chở tử thi về quê ngay trong buổi sáng.

Theo quy định, chi phí di chuyển quan tài, việc khâm liệm, chôn cất tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đều do gia đình tự lo. Ngoài ra, gia đình cũng phải cam kết thực hiện việc tổ chức mai táng phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Quy định về việc giải quyết cho người thân được nhận xác tử tù mới được áp dụng từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực vào 1/7/2011. Trước đây, khi còn áp dụng thi hành án bằng hình thức xử bắn, không có quy định về việc người thân có được nhận tử thi hay không. Do vậy, người thân của tử tù không được nhận tử thi mà cơ quan thi hành án thực hiện luôn việc chôn cất.

Sáng nay, gia đình nhận lại tử thi Nguyễn Đức Nghĩa - 1

Tử thi của Nguyễn Đức Nghĩa đã được gia đình nhận lại  tại nhà tang lễ BV 198 và đưa về quê trong sáng nay

Việc cho phép người thân nhận tử thi của tử tù là một điểm mới, được nhiều chuyên gia và người làm luật ủng hộ. Từ trước khi quy định này có hiệu lực, nhiều người đã cho rằng việc cho phép người thân nhận tử thi của tử tù là một việc làm nhân đạo. Có đại biểu Quốc hội cũng từng phát biểu, trước đây pháp luật không quy định rõ ràng, thêm vào đó là có địa phương quản lý lỏng lẻo, không ít vụ đào trộm xác đã diễn ra. Thậm chí có địa phương tồn tại cả đường dây trộm xác tử tù.

Nguyễn Đức Nghĩa là một trong nhiều tử tù được gia đình xin nhận lại tử thi sau khi bị thi hành án thời gian gần đây. Người đầu tiên bị thi hành án bằng thuốc độc cũng được người thân nhận về chôn cất là tử tù Nguyễn Anh Tuấn (28 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội). Người này bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” và bị thi hành án vào ngày 6/8/2013.

Như đã đưa tin, chiều qua, tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã bị đưa ra thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sau hơn 4 năm gây ra vụ án giết bạn gái, chặt xác phi tang.

Nguyễn Đức Nghĩa bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên án tử hình vào tháng 11/2010 về tội "Giết người, cướp tài sản". Tuy nhiên, sau 4 năm, bản án đối với Nguyễn Đức Nghĩa mới được thi hành. Khi Nghĩa bị tuyên án tử hình, quy định thi hành án bằng tiêm thuốc độc chưa có hiệu lực. Đến khi quy định này có hiệu lực, suốt một thời gian khá dài, Nghĩa cũng như nhiều tử tù vẫn chưa bị thi hành án vì các cơ quan chức năng chưa chuẩn bị đủ trang thiết bị và thuốc men để thực hiện. Suốt thời gian qua, Nghĩa vẫn bị tạm giam tại Trại giam số 1 (ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đến hôm qua, Nguyễn Đức Nghĩa đã chính thức bị đưa ra xử tử theo đúng quy định pháp luật.

Theo quy định, người bị thi hành án tử hình bị tiêm vào người 1 liều lần lượt 3 loại thuốc: thuốc làm mất trí giác, thuốc làm liệt hệ vận động, thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

Tuy nhiên cán bộ thi hành án phải chuẩn bị 3 liều thuốc (2 liều dự phòng). Sau khi tiêm xong liều thứ nhất mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, hội đồng thi hành án phải sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục tiêm lần thứ hai. Nếu liều thứ hai mà tử tù chưa chết, hội đồng thi hành án lại tiêm lần ba.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên – Tất Định ([Tên nguồn])
Vụ án xác chết không đầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN