Mua ô tô phải mở tài khoản: “Thực hiện ở VN hơi khó”

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng mua ô tô phải mở tài khoản ngân hàng là chủ trương chỉ hay khi “nói trong phòng máy lạnh”.

Để xử phạt nguội các phương tiện vi phạm giao thông, Công an TP Hà Nội vừa đưa ra đề xuất yêu cầu chủ phương tiện khi đăng ký xe ô tô phải có tài khoản tại ngân hàng. Ngoài ra, trong tài khoản của chủ xe phải có số tiền nhất định, để các cơ quan chức năng khấu trừ khi chủ tài khoản vi phạm giao thông và bị phạt nguội.

“Chỉ hay khi nói trong phòng máy lạnh”

Bình luận về chủ trương này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: “Đó là đề xuất đúng với sự phát triển của xã hội, nhất là ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, muốn thực hiện điều đó ở Việt Nam hơi khó”.

Mua ô tô phải mở tài khoản: “Thực hiện ở VN hơi khó” - 1

Để xử phạt nguội các phương tiện vi phạm giao thông, Công an TP Hà Nội vừa đưa ra đề xuất yêu cầu chủ phương tiện khi đăng ký xe ô tô phải có tài khoản tại ngân hàng. Ảnh: Tiền Phong

Theo ông Liên, người Việt hay sử dụng tiền mặt thay vì giao dịch bằng tài khoản riêng. Nói cách khác, người dân chưa quen sử dụng tài khoản ngân hàng.

Chưa kể việc quản lý các phương tiện vi phạm giao thông là việc quản lý mang tính chuyên ngành mà giờ bắt cả xã hội phải tuân thủ một quy chế về mặt tài chính thì rất khó thực hiện.

“Bên cạnh đó, hiện nay, tôi thấy lái xe là những người khổ nhất. Người ta hay ví von thế này: “ráo mồ hôi là hết tiền” hay là “rời tay lái là hết tiền” để kể về nỗi khổ của các tài xế. Họ chỉ là những người làm thuê, lấy đâu ra số tiền 5 – 10 triệu đồng mà nạp vào tài khoản?

Ông nhấn mạnh: “Về chủ trương, nghiên cứu đề xuất trên là rất tốt, rất đúng, nhưng nó chỉ hay khi nói trong phòng máy lạnh chứ ra ngoài xã hội thì khó thực hiện được”, ông Liên khẳng định.

Cũng theo ông Liên, còn cần phân biệt xem xử phạt tài xế vi phạm luật giao thông hay doanh nghiệp quản lý họ. Chẳng hạn, nếu xử phạt tài xế vì xe quá tải thì rất khó bởi lỗi chủ yếu thuộc về người yêu cầu bốc xếp quá tải và tài xế cũng không thể mang tài khoản của doanh nghiệp đi để nộp phạt.

“Vẫn biết rằng phạt qua tài khoản là văn minh, nhưng nó chưa phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay”, ông Liên nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thêm, muốn thực hiện việc phạt nguội như trên, tài khoản của các chủ xe phải có ít nhất 20 triệu đồng vì hiện nay có nhiều mức phạt rất cao. Ví dụ chủ xe quá tải có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. 20 triệu đồng mới chỉ đủ để xử lý với các hành vi vi phạm luật giao thông của người lái xe thôi.

Cần có lộ trình

Khi phóng viên đề cập tới đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay: “Hiện chúng tôi còn đang nghiên cứu xem được gì và mất gì nếu thực hiện chủ trương đó nên chưa thể đưa ra bình luận”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Giáp – Chánh Thanh tra Sở giao thông Vận tải Hà Nội lại rất ủng hộ đề xuất trên.

“Nên tiến tới chủ trương đó bởi đó là việc cần thiết. Còn về cách làm, lộ trình, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu thêm”, ông Giáp nêu quan điểm.

Đề xuất về cách xử phạt nguội các phương tiện vi phạm giao thông, nhiều ý kiến hiến kế, với lỗi vi phạm bị phạt nguội, cơ quan xử lý gửi thư thông báo đến chủ xe và yêu cầu họ đến nộp phạt.

Nếu chủ xe không chấp hành,lỗi vi phạm có thể lưu lại cho cơ quan đăng kiểm. Đến kỳ đăng kiểm, sẽ xử lý thu tiền phạt một thể. Lúc đó, có khi lũy kế lại thì chủ xe phải chịu phạt một mớ lỗi, cộng với tiền phạt trả chậm theo lãi suất ngân hàng.

Thậm chí, có người còn cho rằng cũng có thể đưa vụ việc ra tòa như cách mà nhiều nước khác trên thế giới đang áp dụng với trường hợp chủ xe không đến nộp phạt.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên không “ưng” cả hai kế sách trên. Theo ông Liên, việc thông báo đến chủ xe, yêu cầu họ đến nộp phạt có tỉnh ở Việt Nam đã thực hiện rồi, ví dụ Thanh Hóa… Thế nhưng, trong trường hợp chủ xe không đến nộp phạt, ở ta mới chỉ có chế tài xử phạt là đề nghị Sở Giao thông vận tải tước quyền hoạt động của phương tiện đó chứ chưa có chế tài xử phạt khác.

“Về việc kết hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông với bên đăng kiểm hay phía tòa án, tôi nghĩ rất khó bởi khi chưa áp dụng công nghệ thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan sẽ thiếu chặt chẽ, khó thực hiện. Mỗi ngày có hàng trăm vụ vi phạm, làm sao các cơ quan có thể phối hợp nhịp nhàng để xử lý?”, ông Liên băn khoăn.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, có lẽ phải 5 – 10 năm nữa mới là thời điểm hợp lý để nếu có ban hành, luật trên mới sớm đi vào cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN