Huế: Nghẹt thở cuộc săn bò tót ở sân bay

16h chiều 24/7, những người có trách nhiệm của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đã thở phào loan báo: “Đã bắn thuốc mê thành công con bò tót!”, kết thúc “chiến dịch” kéo dài gần 2 ngày, 1 đêm làm hơn trăm người mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 giờ đồng hồ, bò tót đã chết.

Trao đổi với phóng viên tối 24/7, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: "Khi phát hiện con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài, chính quyền tỉnh đặt ra 2 mục tiêu: Bảo đảm an toàn bay và tính mạng bò tót. Tuy nhiên cuối cùng, chỉ có 1 mục tiêu đạt được"... Rốt cuộc, dù rất nhiều công, của đổ ra, hàng nghìn người trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng trong vụ vây bắt và bảo tồn bò tót, mục tiêu chính vẫn không thể hoàn thành. Bảo bò chết oan là vì thế...

Náo loạn

Sáng 23/7, người dân tổ 11, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) hoảng loạn khi phát hiện một con bò tót to sừng sững xồng xộc chạy vào làng. Với dáng người đen tuyền, có hai sừng cong vuốt về phía trước, giữa trán có một chỏm lông trắng, nặng chừng 1 tấn rưỡi, con bò tót này thực sự làm người dân khiếp đảm. Khắp đường làng ngõ phố dày đặc vết chân con bò to lớn tung hoành.

Huế: Nghẹt thở cuộc săn bò tót ở sân bay - 1

Con bò tót gây náo loạn sân bay quốc tế Phú Bài 2 ngày nay. Ảnh: L.Đ.Dũng

Lần theo dấu vết, người dân mới tá hỏa khi phát hiện bà Nguyễn Thị Thí (85 tuổi, người làng) bị chết bên vệ đường. Khi người dân phát hiện, xác bà Thí đã dần chuyển mùi, áo quần rách tơi tả, kiến bu khắp người, máu chảy nhiều, ở má bên trái bị rách một lỗ, xung quanh hiện trường có nhiều dấu chân bò lớn hơn bò nhà.

Sau đó, con bò tiếp tục lồng lộn chạy xuống phường Thủy Tân cạnh đó. Tại đây, nó liên tục lao vào nhiều người chực húc khi họ đang làm ruộng. Anh Lê Văn Sơn - người dân xã Thủy Tân - kể: “Lúc đó tui và mấy người khác đang cắt rau muống ở đám ruộng. Bỗng dưng thấy một con bò to lớn từ đâu lao tới. Hoảng quá, chúng tôi vứt hết mọi thứ bỏ chạy. Sau khi gặm mấy đám rau muống, con bò này tiếp tục chạy đến các bãi cỏ có thả nhiều trâu, bò của người dân”.

Đến chiều 23/7, con bò tót đã chạy lạc vào địa phận sân bay quốc tế Phú Bài. Lực lượng an ninh sau khi phát hiện đã có thông báo cho cơ quan chức năng địa phương. Công tác an ninh được triển khai. Một lực lượng liên ngành gồm công an, bộ đội, kiểm lâm, an ninh sân bay, cảnh sát giao thông gần 100 người được thiết lập ngăn chặn mọi ngả ra của khu vực sân bay.

Huế: Nghẹt thở cuộc săn bò tót ở sân bay - 2

Sau khi đưa về trại cứu hộ, con bò tót đã chết và hiện chưa rõ nguyên nhân

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi nhận tin báo đã quán triệt không để bò tót chạy ra khỏi khu vực khoanh vùng lọt vào khu dân cư. Do đó, các lực lượng được phân công phải túc trực thâu đêm tại các lối ra cũng như bảo vệ đường băng. Ông Nguyễn Viết Hoạch mắt sâu hoắm sau một đêm thức trắng. Ông than: “Chúng tôi rất vất vả bởi khuôn viên sân bay Phú Bài rộng, nhiều cây cối, chưa được gia cố bảo vệ bằng tường rào nên có rất nhiều lối ra. Trong đêm, có ít nhất 8 lần bò tót lao ra, chúng tôi phải huy động nhiều phương tiện, thậm chí cả xe chở hàng để xua đuổi nó vào trở lại”.

Cuộc “đi săn” có một không hai...

Đến sáng 24/7, con bò tót được xác định và cầm cự tại khu vực rừng tràm bên phải nhà ga sân bay quốc tế Phú Bài. Cuộc “đi săn” bò tót được chuẩn bị chu đáo từ lực lượng chắn giữ đến, lực lượng canh gác. 10 chuyên gia cứu hộ động vật của Thảo Cầm viên (TPHCM) cũng được huy động ra trong buổi sáng để tổ chức truy tìm và bắn thuốc mê. Lệnh ngừng các chuyến bay đi và đến sân bay Phú Bài cũng được ban bố đến 18h cùng ngày.

Đến khoảng 10h sáng, việc “đi săn” bắt đầu khi đoàn chuyên gia cứu hộ động vật có mặt tại hiện trường. Trong khu rừng tràm và đầy cây bụi, việc săn lùng diễn ra rất khó khăn và kéo dài. Khoảng 10h30, lực lượng canh giữ phát hiện nhiều dấu chân của con bò dưới các lùm cây ven bờ tường phía bên phải của nhà ga sân bay. Đến khoảng hơn 11h, con bò xuất hiện tại khu vực gần cửa chốt. Sau khi phát hiện người, nó chạy lồng lộn, húc vào một chiếc xe ủi, vào tường rào cạnh đường băng, sau đó lủi nhanh vào bụi rậm.

Huế: Nghẹt thở cuộc săn bò tót ở sân bay - 3

Bò tót trên đường vận chuyển ra khỏi sân bay về xã Thuỷ Bằng (thị xã Hương Thuỷ). Ảnh: L.Đ.Dũng

Công việc tìm kiếm vẫn được tiến hành qua trưa, tất cả mọi người đều cảnh giác và nghe ngóng cao độ. Khoảng 13h30, phát súng đầu tiên bắn vào con bò. Con bò hoảng loạn và chạy thục mạng qua nhiều bụi cây. Việc săn đuổi càng gấp rút hơn cho đến 15h chiều, sau nhiều phát súng nữa con bò mới ngấm thuốc và đi loạng choạng dần về phía đài kiểm soát không lưu của sân bay.

Tuy vậy, do con bò tót rất lớn nên việc ngấm thuốc kéo dài khá lâu trong buổi chiều. Không một ai dám bén mảng tới cạnh con bò. Sau khoảng một giờ ngấm thuốc, con bò tót bị nhân viên kiểm lâm trói các chân bằng dây thừng và tìm cách đưa vào khu vực đường băng sân bay để tiện thực hiện việc đưa lên xe chuyên dụng chuyển về vườn thú. Con bò tót tưởng chừng đã bị khống chế bất ngờ vùng chạy trên đường băng, sau đó quay về vùng cây bụi ở khu vực vành đai phía đông sân bay.

Các nhân viên phải dùng xe để ép bò tót vào khu vực có lợi. Sau đó họ dùng lưới để trùm con bò lại. Đến khoảng 16h, con bò thực sự kiệt quệ vì ngấm quá nhiều thuốc mê. Các chuyên gia cứu hộ nhanh chóng tiêm thuốc trợ tim cho bò tót và dùng cẩu đưa lên xe tải.

Bên ngoài khu vực được bảo vệ, không khí cũng nóng theo từng giờ và không kém phần hồi hộp như cuộc “đi săn” ở bên trong khu rừng tràm, khi hàng trăm người dân vẫn bao quanh khu vực sân bay, tiếp cận bằng mọi cách gần nhất để được chứng kiến. Thậm chí, nhiều người còn đi lén qua các đường bụi rậm bên ngoài khu vực dù bị các nhân viên an ninh sân bay liên tục ngăn cản. Trên các ngôi nhà cao tầng, trên các cây cao cũng đông nghẹt người bám trụ xem. Khắp các phường quanh sân bay, người dân luôn bàn tán xôn xao về cuộc “đi săn” bò tót.

Nhiều người nghỉ hẳn việc để đến trước cửa vào sân bay chực chờ xem bò tót. Anh Nguyễn Văn Tính - người dân phường Phú Bài - cùng cánh thợ xây đã nghỉ hẳn buổi làm chiều nay để được “mục sở thị” một con vật chưa thấy xuất hiện ở tỉnh này bao giờ. “Nghe nói chiều nay người ta bắn bò tót, thế là bọn tui nghỉ một bữa để đi xem cho biết” - anh Tính kể. Khi chiếc xe tải chở bò tót về cơ sở tiếp nhận, rất đông người dân chờ chực cả ngày đã ùa chạy theo chỉ để sờ được vào con bò.

Huế: Nghẹt thở cuộc săn bò tót ở sân bay - 4

Nhiều hành khách tại sân bay Phú Bài phải hoãn chuyến trong buổi sáng 24/7

Sau khi “bắn hạ” thành công bằng thuốc mê, bò tót bị trói lại, cẩu lên xe đưa về xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) để cứu hộ. Trước đó, một đoàn chuyên gia cũng đã đi khảo sát tại khu vực núi Bạch Mã để xem xét điều kiện sống của loài bò tót. Tuy nhiên, vừa đến khu vực trại voi thì con bò tót đã tắt thở trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của mọi người. Một số chuyên gia của Thảo Cầm viên đã không cầm được nước mắt. “Vậy là bao công sức của chúng tôi bỏ ra để bảo vệ nó trong suốt 2 ngày qua đã bỏ sông bỏ bể” - ông Nguyễn Viết Hoạch thở dài thườn thượt.

Một kết cục thật buồn cho một câu chuyện hy hữu (!).

Bò tót chết do nội tạng bầm dập

Sáng 25/7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có báo cáo chính thức về quá trình cứu hộ cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của con bò tót tại Sân bay Quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy).

Theo báo cáo, con bò tót này có tên khoa học là Bos gaurus, con đực đã trưởng thành, nặng chừng 1,2 tấn, thuộc nhóm 1B.

Theo kết quả khám nghiệm gồm các chuyên gia, Công an thị xã Hương Thủy, Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế, bệnh lý của con bò tót sau khi chết như sau: Phía ngoài da không có vết tích, bụng hơi chướng; dưới da không bị xung huyết; phổi, khí quản có xung huyết; tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim, vành mở cơ tim; gan, mật bị sưng; ruột non và ruột già xuất huyết và có máu ở bên trong; mạch tràng treo ruột sưng; manh tràng có xuất huyết và trực tràng bị xuất huyết nặng.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến cái chết của con bò tót này được cơ quan chức năng dẫn giải là do đây là loài hoang dã rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh hoàn toàn không phù hợp nên sức khỏe đã suy kiệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, đây là con vật đã trưởng thành, rất háo nước nhưng khi bị “mắc kẹt” ở khu vực sân bay gần 2 ngày lại thiếu nước uống. Ngoài ra, nhiệt độ khu vực này rất cao, thời tiết hanh khô, thiếu thức ăn, thiếu nước lại bị truy đuổi và bị stress nghiêm trọng nên khả năng suy kiệt bị nặng hơn.

Về cái chết của con vật này, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc, ngoài mong muốn.

Ông Hoạch cho rằng lực lượng cứu hộ và cơ quan chức năng đã lựa chọn phương án tối ưu nhất, đã làm hết sức, đúng quy trình nhằm cứu sống con vật này nhưng lực bất tòng tâm.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành đập nát mật bò tót, đồng thời tiến hành chôn cất toàn bộ con bò, riêng phần sọ đã giao cho Đại học Khoa học Huế xử lý tiêu bản làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.

Do bò tót náo loạn nên ngày 24/7, sân bay Phú Bài phải đóng cửa. Có 12 chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.Huế đi Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong ngày phải điều chỉnh giờ khai thác, ảnh hưởng tới tới gần 1.800 hành khách. Được biết, cuối giờ chiều 24/7, sau khi con bò tót bị “bắn hạ”, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã mở cửa hoạt động trở lại. Theo một lãnh đạo của Cụm cảng Hàng không miền Trung, đây là sự cố đe dọa an toàn bay hy hữu, chưa từng thấy trong lịch sử.

Sau 27 năm mới thấy bò tót xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế. Nhiều người ngạc nhiên về việc bò tót xuất hiện ở sân bay Phú Bài. Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, người từng nhiều năm làm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế - thì việc này không có gì lạ.Ông nói: “Cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là địa phương có tên trên bản đồ phân bổ của bò tót.

Cách đây mấy năm, ở khu vực núi Rệ, động Hoàng của xã Thủy Bằng, phía tây thành phố Huế đã từng có thông tin xuất hiện bò tót, nhưng sau đó chúng tôi không tìm thấy”. Ông Khanh dự đoán có thể con bò tót này xuất phát từ khu vực Thủy Bằng. Cũng theo ông Khanh, năm 1985, một con bò tót đã xuất hiện ở xã Hương Chữ, huyện Hương Trà và sau 27 năm, bây giờ mới thấy con bò tót thứ hai xuất hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lao động - Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN