Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng

Nước lũ sông Hồng dâng cao ngoạm sâu vào bờ khiến một phần ngôi nhà của chị Sen như lơ lửng trên không. Trong căn nhà bị nước lũ khoét sắp sập đến nơi, chị Sen vẫn đứng cầm nhang khấn vái. Hôm nay là ngày giỗ bố mẹ chồng chị. Anh Thanh (chồng chị Sen) vốn làm nghề chở thuê đang cố chạy nốt cuốc khách, chưa kịp về đến.

Chị Phạm Thị Sen (35 tuổi) về làm dâu ở xóm ven sông Hồng gần chục năm nay. Ngôi nhà cạnh sông nằm cuối con ngõ đi len lỏi từ ngoài phố Bạch Đằng (Chương Dương - Hoàn Kiếm - Hà Nội) đi vào.

Cách đây khoảng 1 tuần, nước lũ sông Hồng dâng cao ngoạm mất phần đất dưới móng nhà chị Sen. Ngôi nhà nhỏ bé chưa đến 20m2 nằm bên sông vốn đã gây cảm giác mong manh ọp ẹp nay trơ ra phần móng dưới, không có bệ đỡ nâng cả bức tường nằm chới với trên không có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Nhà anh Thanh (chồng chị) đã định cư bên con sông này từ mấy đời trước. Bố mẹ anh Thanh cũng qua đời ở ngôi nhà này cách đây sáu bảy năm.

Những năm trước, vào ngày giỗ, gia đình chị Sen vẫn làm vài ba mâm cơm mời bà con chòm xóm. Năm nay, ngày giỗ cha mẹ chồng đến mà ngôi nhà của chị đành đóng cửa im lìm.

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 1

Chị Sen sắp đồ lễ giỗ cha mẹ chồng

Sáng nay chị Sen tranh thủ ra chợ mua ít hoa quả, đồ lễ về thắp hương cho bậc bề trên. Nhà chị đã được chính quyền địa phương yêu cầu di dời từ mấy hôm trước. Cả gia đình chị gồm 4 người mấy hôm nay đành đi ở nhờ nhà người quen cách đó không xa. Cán bộ phường khóa cửa lại. Tuy nhiên vì chị phải vào thắp hương giỗ cha mẹ chồng nên họ mới cho mượn lại chía khóa một lúc vào nhà.

Chị Sen kể, từ hồi về làm dâu, nhà đã nằm sát bờ sông. Tuy nhiên gần chục năm nay không thấy đất lở thế này. Năm nay nước lũ dâng cao ngoạm mất gần 2m phần bờ, khiến nhà chỉ còn trơ móng.

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 2

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 3

Móng nhà chị Sen bị thủy thần ngoạm mất

Đoạn ngõ nơi nhà chị Sen sống dài khoảng 15m, dọc hai bên có đến 10 ngôi nhà, có 2 nhà nằm sát bờ sông (trong đó có nhà chị Sen). Ngôi nhà được làm 2 tầng, có phần dưới là tường gạch, phần trên làm bằng khung thép và gỗ, nền nhà được đổ bê tông cốt thép.

Khi nước sông ngoạm mất gần 1m đất dưới ngôi nhà, phần móng bê tông mỏng manh đỡ lấy bức tường khiến một phần ngôi nhà như lơ lửng trên không.

Đoạn sân bê tông trước nhà chị Sen cũng lún xuống vì không còn đất phía dưới đỡ. Mấy hôm nay, người ta căng dây, chống hàng rào gỗ, dựng biển báo ở đây. Toàn bộ phần sân cùng ngôi nhà của chị Sen tưởng chừng có thể trôi đi bất cứ lúc nào.

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 4

Khu vực sạt lở nguy hiểm trước nhà chị Sen

Thỉnh thoảng, một vài chiếc thuyền chạy dọc sông ngay sát vách nhà chị Sen gây ra những đợt sóng vỗ vào phần móng nghe ộp oạp khiến căn nhà như muốn lung lay.

Nhìn ra sông, chị Sen thở dài thườn thượt. Chị bảo: "Trước mắt ở tạm nhà người quen đã. Nhà nước hỗ trợ làm kè cho quay về ở thì tốt. Chứ giờ cũng không biết đi đâu?”.

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 5

Tàu chở cát chạy qua bên cạnh tạo sóng ộp oạp làm ngôi nhà của chị Sen như muốn lung lay

Nỗi lo mùa lũ đến

Từ ngoài phố Bạch Đằng (Hoàn Kiếm) đi vào xóm ven sông, phải len qua những ngõ ngách chật hẹp, tối tăm, ngoằn ngoèo. Đi một lúc là cụt lối, không phải do nhà cửa chắn, mà bởi mép sông, nơi nước Hồng Hà đang dập dềnh. Có đoạn người ta làm cổng hoặc rào chắn, nhưng nhiều chỗ thì không. Trong các con ngách đó, cách mép sông mấy mét, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa. Chúng sinh ra ở đây và vẫn lớn lên dọc mép sông này. Nơi đây, chúng đã trở nên quen thuộc. Chúng đâu hiểu rằng, cha mẹ chúng đang nơm nớp lo âu mỗi khi mùa lũ đến trên sông.

Người ở dọc bờ sông này chủ yếu sống bằng nghề lao động tự do. Ngoài những bộn bề vất vả mưu sinh thường nhật, trong những ngôi nhà bên vách sông còn chứa đựng nhiều nỗi niềm lo âu khi mùa lũ đến. Có người dân ở đây cho biết, thành sông dốc lắm, sâu đến cả chục mét. Vì thế, họ luôn thấp thỏm lo sợ “thủy thần” sẽ cuốn mất nhà mình đi bất kỳ lúc nào. Khu vực này cách Hồ Gươm (trung tâm Hà Nội) khoảng vài cây số nhưng những người ở trong đó đâu cần quan tâm nước sông Hồng cao hay thấp, trong khi người ở đây đếm từng ngày chờ mùa lũ đi qua.

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 6

Nhà cửa dọc sông Hồng

Dọc bờ sông dài hàng cây số, những ngôi nhà nằm thập thò sát mép bờ sông. Ngày cũng như đêm, người ở đây vẫn nghe tiếng sóng sông Hồng bởi những con tàu chở cát tạo ra vỗ ì ạch bên móng nhà mình. Người ở đây cũng giống dân chài, quanh năm cảm giác dập dềnh trôi theo dòng nước Hồng Hà.

Chị Nguyễn Thị Loan (26 tuổi ) cũng sống bên mép sông này từ bé. Nhìn xa xa phía móng nhà chị Sen đang trơ trọi mà chị Loan không khỏi động lòng.

Chị Loan nhớ từ hồi nhỏ đến lớn, đã vài lần mùa lũ đi qua trên sông Hồng làm lở đất. Hồi đó, móng nhà chị chưa sát bờ sông như bây giờ. Mấy đợt lũ đó, nhiều nhà bị lở đã phải di dời lên phía trên. Sông càng ăn sâu vào khiến ngôi nhà chị thành ra đứng chông chênh như bên vực.

Giỗ bố ở ngôi nhà sắp sập bên sông Hồng - 7

Chị Loan đứng bên mép sông lòng đầy lo lắng

Chị Loan như nhớ từng mực nước lên xuống của dòng Hồng Hà chảy qua bên móng nhà chị mỗi mùa lũ đi qua. Mùa lũ năm nay, nước sông Hồng bỗng dâng cao bất thường khiến chị cùng người trong làng xóm không khỏi hoang mang. Mỗi sáng thức dậy, chị Loan lại ra mép sông xem mực nước đến đâu rồi.

Chị còn nhớ trận lụt năm 2008, nước sông đoạn nhà chị cũng dâng cao lắm, lên ngập cả nền nhà, không phân biệt nổi đâu là sông và bờ. Hồi đó, chị với mấy người trong xóm đành bỏ nhà đi lên phía trên ở nhờ, không ai dám trụ lại. Sau khi nước rút, quay về thấy nhà vẫn còn nguyên vẹn, chị và mọi người lại tiếp tục cuộc sống ở mép sông.

Rồi mùa lũ này sẽ đi qua, người trong những ngôi nhà bị sạt lở đã phải dời đi chỗ khác. Những người ở lại tiếp tục đón chờ mùa lũ mới…

Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Tám (tổ trưởng tổ 82 - phường Chương Dương) cho hay, hiện tổ dân cư mấy trăm hộ ở đây có 7 nhà ven sông Hống đang có nguy cơ sạt lở cao.

Tuy nhiên, hiện duy nhất gia đình nhà chị Sen buộc phải di dời khẩn cấp vì sạt lở nặng. Các gia đình còn lại chưa vấn đề gì.

Ông Tám cho hay, "theo tôi được biết thì hiện cả phường Chương Dương đợt này có 5 nhà bị sạt lở và phải di dời khẩn cấp. Hầu hết đang ở tạm gia đình người quen".

"Theo nội dụng cuộc họp tại UBND phường sáng nay tôi được tham dự, về lâu dài, chính quyền phường và quận đang bàn bạc để có chính sách hỗ trợ, ổn định chỗ ở, đảm bảo cuộc sống cho các gia đình này." - Ông Tám khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN