Gặp người đúc trống đồng "khủng" ở Thanh Hóa

Dáng người thấp nhỏ, nụ cười hiền, nghệ nhân Lê Văn Bảy ở làng nghề đúc đồng truyền thống Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đang tất bật cùng với nhóm thợ của mình hoàn thành những chi tiết cuối cùng, để hoàn thiện chiếc trống khổng lồ được coi là lớn nhất thế giới bằng phương pháp thủ công truyền thống mà cha ông truyền lại.

Có duyên với đúc trống đồng

Chúng tôi trở lại xưởng sản xuất đồ đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống của gia đình nghệ nhân Lê Văn Bảy, khi chiếc trống khổng lồ đã được đưa ra khỏi khuôn đất, để bước vào giai đoạn làm nguội. Giai đoạn cuối cùng hoàn chỉnh, đánh bóng các hoa văn trên thân, mặt trống, trước khi bàn giao.

Để hoàn thành được chiếc trống khổng lồ này, hơn 20 thợ thủ công của anh Bảy phải lao động liên tục trong thời gian 10 tháng, trong đó, giai đoạn làm nguội mất chừng hơn 1 tháng. Như vậy, dự kiến, đầu tháng 11/2013, chiếc trống này sẽ hoàn thành. Mặc dù, phần khó khăn nhất của việc thực hiện làm chiếc trống này đã qua, thế nhưng bản thân anh Bảy vẫn không dời khỏi xưởng, để hoàn thành những chi tiết cuối cùng này, nhằm đảm bảo kỹ, mỹ thuật tốt nhất cho chiếc trống.

Gặp người đúc trống đồng "khủng" ở Thanh Hóa - 1

Khuôn trống khổng lồ. Ảnh: Hoàng Lam.

Sinh ra ở làng nghề đúc đồng truyền thống Chè Đông có tiếng. Từ nhỏ anh Bảy được bố mẹ truyền nghề, rồi có duyên theo nghề đúc đồng cho đến nay. Gia đình anh Bảy có 10 anh chị em thì có 2/3 người con trai theo nghề của bố mẹ. Học hết năm lớp 7 (chương trình 7/10), anh Bảy dành toàn bộ thời gian của mình để học tập, sản xuất sản phẩm đúc đồng truyền thống.

 Toàn xã Thiệu Trung hiện có hơn 1.200 hộ (khoảng 5.900 nhân khẩu). Trong đó, làng nghề đúc đồng Chè Đông có 22 lò (trung bình mỗi lò có 4 thợ). Số lao động tham gia làm nghề này là khoảng 400 lao động. Thu nhập bình quân của một lao động làm nghề là từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa)

Anh Bảy kể: “Năm 1999, tôi có cơ duyên được gặp nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc cùng một số nhà khoa học khác, được trao đổi về một số sản phẩm đúc đồng.

Tại thời điểm này, các nhà nghiên cứu có đặt ra câu hỏi là vì sao Thanh Hóa có làng nghề đúc đồng nổi tiếng, nhưng chưa có ai để ý đến việc đúc một chiếc trống đồng theo các phiên bản đã có bằng phương pháp thủ công truyền thống? Từ thời điểm này, tôi bắt đầu tìm hiểu tư liệu về các phiên bản trống đồng. Năm 2002, tôi là người đầu tiên ở Thanh Hóa đúc thành công chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống”.

Năm 2006, một khách hàng tìm đến anh Bảy để đặt đơn hàng đúc một chiếc trống đồng lớn nhất Đông Nam Á bằng phương pháp thủ công. Từ đây, nhiều đơn hàng đúc trống đồng đến với anh Bảy. Anh cùng thợ làng nghề được mời đi nhiều địa phương khác để trình diễn đúc trống đồng bằng phương pháp này. Những chiếc trống đồng với kích thước lớn nhỏ, phiên bản khác nhau như: phiên bản Hoàng Hà, Đông Sơn, Quảng Xương, Ngọc Lũ được xưởng nghề của anh Bảy sản xuất hàng trăm, hàng nghìn cái, phục vụ yêu cầu của nhiều khách hàng trong, ngoài nước để trưng bày, làm đồ lưu niệm...

Càng khó càng thể hiện tay nghề

Đầu năm 2013, với thành công thương hiệu về đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công, anh Lê Văn Bảy tiếp tục nhận được một đơn hàng đúc một chiếc trống đồng với các thông số: cao 2,2m, đường kính mặt trống 2,57m, trọng lượng chừng 8 tấn đồng. Đây được xem là chiếc trống đồng khổng lồ, lớn nhất từ trước đến nay mà anh Bảy nhận đúc.

Gặp người đúc trống đồng "khủng" ở Thanh Hóa - 2

  Mặt trống sau khi đúc.

“Tôi nghĩ đây là một thử thách mới để khẳng định tay nghề của mình. Nên khi triển khai đúc chiếc trống trên, rất nhiều khó khăn được đặt ra như: Việc làm khuôn trống bằng đất, tính toán tỷ lệ các hoa văn từ phiên bản Ngọc Lũ để thể hiện phù hợp với thông số mà khách hàng yêu cầu. Việc đun nóng, rót đồng vào khuôn...”- anh Bảy chia sẻ.

Khác với những chiếc trống nhỏ, để làm được chiếc khuôn trống bằng đất sét, với hàng nghìn nét hoa văn, họa tiết, anh Bảy cùng với hơn 20 thợ ở xưởng của mình đã phải làm việc liên tục trong 8 tháng, chuẩn bị 11 tấn đồng nguyên liệu chất lượng tốt. Với một khối lượng đồng đun nóng chảy lớn, anh Bảy phải nhờ đến sự giúp sức của máy cẩu để đưa đồng đã đun nóng chảy vào khuôn.

Đầu tháng 9/2013, lửa đỏ 3 lò nung đồng, chiếc cần cẩu đưa chiếc thùng có miệng đựng đồng đã đun đổ vào khuôn. Bất ngờ, sự cố xảy ra, rò rỉ đồng từ khuôn trống. “Lý do khiến xảy ra sự cố rò rỉ là do không thể điều khiển máy đổ đồng đúng theo kỹ thuật thủ công từ kinh nghiệm, bí quyết của mình. Điều này khiến lượng đồng lớn đổ ào vào khuôn, tạo nên áp lực rò rỉ đồng. Sau khi khắc phục sự cố, khuôn trống, tôi đích thân cùng thợ thực hiện đổ đồng vào khuôn bằng thủ công. Sau một ngày, đồng nguội trong khuôn, việc tháo dỡ trống ra được thực hiện khá suôn sẻ. Khi tháo dỡ hết khuôn đất ra, chiếc trống đồng khổng lồ, được xem là lớn nhất thế giới cho đến thời điểm này hiện ra, tất cả anh em đúc trống vỡ òa hạnh phúc”- anh Bảy tâm sự.

Gặp người đúc trống đồng "khủng" ở Thanh Hóa - 3

Trống đang được làm nguội.

Trong giai đoạn làm nguội, mài giũa, làm tinh xảo các nét hoa văn trên mặt, thân trống, anh Bảy cùng 20 thợ của mình thực hiện trong thời gian hơn 1 tháng để hoàn thành.

Anh Bảy giải thích: “Đối với sản phẩm trống đồng đúc bằng phương pháp thủ công, người thợ phải giữ nguyên các phiên bản trống đồng có từ cổ xưa thì trống đúc ra mới có hồn được. Đòi hỏi đầu tiên của việc đúc thành công một chiếc trống đó là trọng lượng và âm thanh của trống. Phiên bản trống Ngọc Lũ ở chiếc trống này thể hiện gồm các phần mặt trống, phom trống (gồm có thuyền người), thân trống (hình người ca, múa, hát đi theo trật tự ngược kim đồng hồ), váy trống (để trơn). Khi người thợ cầm những dụng cụ để khắc các hoa văn theo các phiên bản, chính là lúc văn hóa thời kỳ trống đồng được thẩm thấu trong đôi mắt, suy nghĩ, trái tim người thợ. Bởi chính những hoa văn chạm trổ trên các phiên bản trống đồng đã thể hiện đời sống của cư dân Việt thời ấy”.

Trăn trở nhất của anh Bảy chính là làm sao để bảo vệ được thương hiệu, đặc trưng riêng của chất đồng ở xứ Thanh. Theo anh Bảy, chất đồng ở Thanh Hóa đang thực hiện đúc trống đồng hiện nay hoàn toàn trùng với chất đồng của các trống đồng cổ xa xưa. Nếu không phải là chất đồng này, thì khó có thể thực hiện đúc trống bằng phương pháp thủ công thành công. Vì vậy, chất đồng ở đây cũng đắt, khó tìm, có giá hơn chất đồng ở những vùng khác. Người thợ làm nghề thủ công đều có bí quyết pha chế đồng để tạo chất đồng đẹp, âm thanh tốt. Không chỉ là bí quyết, mà người thợ phải có kinh nghiệm, sự dày công nghiên cứu...

“Nếu tính độ thẩm mỹ của trống, tôi tự nhận mình đạt 60% so với các bậc tiền bối giỏi nghề, còn nếu tính âm thanh của trống đúc, tôi tự tin mà khẳng định tôi đạt tới trình độ làm trống của người xưa”- anh Bảy tự nhận.

Anh Bảy cho rằng, chiếc trống khổng lồ lần này chưa phải là cái mốc lớn cuối cùng để anh vượt qua. Còn thử thách, anh còn sẵn sàng tham gia để khẳng định độ tinh xảo, kỹ thuật thủ công của cha ông xưa, cũng như thế hệ của mình trước thế giới. Anh Bảy tạm biệt chúng tôi, khi xưởng của anh mãi đang đỏ lửa cho ra lò những sản phẩm mới.

Anh Lê Văn Bảy chia sẻ: “Có hàng chục năm theo nghề đúc đồng, hơn 10 năm đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công, tôi ấn tượng nhất là khi thực hiện đúc chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam vào năm 2006.

Với tỷ lệ chiều cao, đường kính trống lớn hơn nhiều so với tỷ lệ các loại trống trước đó đúc nên người thợ đứng trước nhiều thử thách. Tôi gặp lại cảm giác này khi thực hiện đúc chiếc trống đồng vừa qua.

Khi các tỷ lệ, khối lượng nguyên liệu quá lớn thì người thợ phải vận dụng sự hỗ trợ của thiết bị máy móc. Nhưng cơ bản nhất của đúc trống bằng phương pháp thủ công chính là dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm và cái tâm của người thợ làm nghề”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN