Bảo tồn húng Láng: “Cứu” nổi không?

Dự kiến chi 2 tỷ đồng để bảo tồn rau gia vị húng Láng nổi tiếng đất Hà Nội sau một năm vẫn “đắp chiếu” vì... chùa chưa có đất.

Có cứu nổi không?

Tại ngôi chùa Láng, nơi được chọn để thực hiện kế hoạch bảo tồn rau húng Láng trong hai năm 2012-2013. Đã hết thời hạn một năm, vẫn chưa có cây rau húng Láng được trồng. Tìm hiểu nguyên nhân thấy, hóa ra, chi 2 tỷ đồng bảo tồn cây rau gia vị không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ...

Thời điểm giữa năm 2012, dư luận “sôi nổi” với chương trình bào tồn loài cây gia vị nổi tiếng đất Kinh Kỳ Thăng Long trước nguy cơ tuyệt chủng. Cuối cùng, húng Láng “thoát hiểm” khi UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương bảo tồn, lưu giữ và phát triển cây húng Láng.

Bảo tồn húng Láng: “Cứu” nổi không? - 1

Những luống rau cuối cùng giờ là bãi đất phẳng lì

Cái khó khi thực hiện đề án bảo tồn, là cây húng quý chỉ trồng ở trên đồng đất của làng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa mới giữ được hương vị. Do vậy, phương án bảo tồn cây húng láng bắt buộc phải là bảo tồn tại chỗ. Nhưng đất nông nghiệp ở làng Láng đã hết. Hiện 2.000m2 do 48 hộ dân canh tác đã thuộc vào đất dự án, có thể thu hồi bất cứ lúc nào.

Tại cuộc hội thảo do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sau đó, thống nhất đề xuất phương án đưa vào trồng trong chùa Láng. Nơi đây có diện tích 17.000m2, vành đai rất rộng, có khuôn viên để trồng cây xanh. Tuy nhiên, sở NN&PTNT vẫn băn khoăn, bởi chùa là nơi thanh tịnh, tôn nghiêm. Đưa húng Láng vào trồng trong khuôn viên chùa là không dễ. Việc trồng cây húng lại nằm giữa thành phố nên có thể phát sinh bất cập như như phân bón, hóa chất... ảnh hưởng đến người dân và cảnh quan của chùa Láng.

Bảo tồn húng Láng: “Cứu” nổi không? - 2

Cũng mảnh đất này vài tháng trước

Chị Loan - người trồng húng Láng ở khu vực này cho biết, trước đây nhiều người trồng, nhưng giờ, nhiều nhà có đất, người ta xây nhà cho thuê nên chẳng cần làm vườn nữa. Bán mỗi mớ rau được có 1.000 đồng đến 2.000 đồng thì bao giờ mới bằng một tháng cho thuê nhà. Chị Loan cũng tỏ ra tiếc nuối loại cây gia vị quý này, nhưng theo chị: “Hiện nay, người dân ngoại thành còn muốn “lên” đô thị. Chúng tôi đang sống giữa thủ đô thì sao lại muốn quay trở lại làm ruộng chân lấm, tay bùn”.

Số phận những luống rau húng Láng cuối cùng

Có mặt tại khoảnh đất trồng rau húng cuối cùng của làng Láng bên cạnh ngôi Chùa Láng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trước mặt chỉ là bãi đất phẳng. Những luống rau vốn là sản vật nức tiếng kinh thành một thời giờ nằm im lìm dưới đống gạch đá.

Bảo tồn húng Láng: “Cứu” nổi không? - 3

Một phần đất này sẽ mọc lên trường mầm non

Không tin vào mắt mình, chúng tôi hỏi thăm một nhân viên an ninh tổ dân phố phường Láng Thượng. Anh này nghe xong, ngẫm nghĩ một lát rồi chỉ chúng tôi đi qua bãi đất hoang tìm xem còn không. Theo lời anh, chúng tôi chạy xe qua bãi đất hoang, nhưng hết bãi đất này là nhà dân. Chị Nguyễn Thị Loan, từ trong nhà đi ra nói: “Các anh mua rau húng à? Những luống rau cuối cùng trước mặt đấy, san phẳng rồi. Giờ chỉ còn cách qua bên kia đường Chùa Láng, phía sau trường THCS Nguyễn Văn Huyên, may thì còn”.

Lại theo lời chị Loan, chúng tôi sang bên kia đường Chùa Láng, và những “luống” rau còn lại chỉ to bằng khoảng “chiếc chiếu” được quây lại gọn gàng, nằm lọt thổm giữa khu nhà cao tầng đang xây. Anh thanh niên tên Hải, khoảng 45 tuổi nhận là chủ nhân của bãi rau nói: “Tất cả vườn rau húng Láng là khoảng này đây, tôi vừa đem về trồng hôm người ta san đất dự án. Rau húng Láng giờ đã “láng mịn” theo khoảng đất cạnh Chùa. Sải rau này là tranh thủ nhà cao tầng chưa xây đến nên tôi trồng tạm để ăn”.

Bảo tồn húng Láng: “Cứu” nổi không? - 4

Vườn rau húng mới vừa được chuyển về

Chỉ tay sang nhà hàng xóm, anh Hải cho hay, ngoài nhà anh ra, còn vài hộ nữa mang về trồng rau húng trong chậu cây cảnh, ngắm chơi. Nói rồi anh Hải đưa cho chúng tôi đến chỗ hai chậu cây cảnh to bằng cỡ “cái nồi cơm điện”, bị sứt, chỉ có lưa thưa vài cây húng Láng mới trồng. “ Vậy là tôi đưa các anh xem tất cả số rau húng của làng Láng rồi đấy nhé”, anh Hải vừa nói vừa cười.

Lên chùa trồng rau vẫn thiếu đất

Trở lại địa điểm bảo tồn húng Láng, tổng khuôn viên của chùa Láng tới hơn 10.000 m2, nhưng hiện nay phần lớn diện tích ấy người dân xung quanh đang canh tác. “Đất đó hiện đã được cấp sổ đỏ cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Nhưng trên thực tế, người dân vẫn đang tranh thủ canh tác. Chúng tôi đã có đề nghị với các bên liên quan và đang chờ để có thêm diện tích đất phục vụ công tác bảo tồn, khôi phục cây húng Láng”, Phó trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT, bà Mai Minh Hương cho biết.

Bảo tồn húng Láng: “Cứu” nổi không? - 5

Hết đất, người dân trồng húng vào chậu cảnh để ngắm

Bà Hương cũng cho biết, Sở NN&PTNT đã làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội và sư trụ trì Chùa Láng, đều nhận được sự đồng tình của các bên. Tuy nhiên do nằm trong khuôn viên chùa nên việc triển khai còn cần phải nhiều thủ tục liên quan. Trước mắt trong kế hoạch năm 2013, Sở NN&PTNT Hà Nội dự kiến sẽ vận động nhân dân tại vùng Láng để có thể tổ chức bảo tồn tại chỗ được khoảng 300m2 húng Láng; đồng thời Sở sẽ triển khai một số nội dung để phát triển sản xuất húng Láng tại các vùng đủ điều kiện khác trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN