Ông Chấn vẫn hoảng sợ khi nhắc đến điều tra viên ép cung

Gặp người tù oan Nguyễn Thanh Chấn ngay sau khi hai cán bộ cố ý làm sai lệch hồ sơ bị bắt, ông Chấn bảo: "Tôi tin công lý sẽ khiến những người đẩy cả gia đình tôi vào cơn bĩ cực phải trả giá!".

Liên quan đến vụ án oan rúng động của ông Nguyễn Thanh Chấn, ngày 9/5, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam đối với hai cán bộ trực tiếp thụ lý vụ án là Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Hai người này bị cáo buộc về hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ trong vụ án của ông Chấn xảy ra hơn 10 năm trước. 

Tại buổi tiếp xúc với PV báo Đời sống và Pháp luật ngay sau khi tiếp nhận thông tin, vợ chồng ông Chấn không tỏ ra quá bất ngờ khi cho biết, họ không có bất cứ lý do nào để tha thứ cho những con người này.

Hồi ức đắng cay

Căn nhà ngói lụp xụp của ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) càng trở nên nóng nực hơn trong những ngày đầu hè oi bức. Đằng sau cánh cổng luôn cài kín, trên khoảng sân hẹp loang lổ rêu phong, ông Chấn đang đùm lại những bó lá khô. Ông mệt mỏi giải thích: “Gần đây vợ tôi sức khỏe yếu đi nhiều, cả ngày quanh quẩn chăm sóc cũng hết ngày. Tôi đang cố sử dụng mấy bài thuốc dân gian được người ta mách nhưng chưa thấy công hiệu lắm”.

Ông Chấn vẫn hoảng sợ khi nhắc đến điều tra viên ép cung - 1

Nguyễn Thanh Chấn đã rơi nhiều nước mắt vì cuộc đời lắm oan trái của mình.

Đoạn, ông Chấn mời chúng tôi vào nhà, ngồi nghỉ trên bộ bàn ghế cũ kỹ kê sát cửa sổ. Ở chiếc giường đơn rách nát cuối phòng, bà Chiến nhận ra những người quen nên cũng cố gượng dậy chào. Sau 10 năm tù đày oan sai, trí nhớ của ông cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, đôi lúc đang dở câu chuyện nhưng ông ngồi thần người như đang cố suy nghĩ về một điều gì đó.

Ông Chấn cùng vợ tiếp nhận thông tin về việc hai điều tra viên trong vụ án của ông là Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa bị khởi tố, bắt giữ một cách khá bình thản. Lý giải về điều này, ông Chấn cho hay: “Tôi vẫn luôn tin công lý sẽ được sáng tỏ và những người cố tình làm sai dẫn đến tôi bị tù oan, đẩy gia đình tôi rơi vào bĩ cực sẽ phải đền tội. Tuy nhiên, tôi vẫn mong chờ một ngày tất cả những người ép tôi nhận tội phải bị bắt, chứ không phải chỉ có hai người này”.

Theo lời ông Chấn, có nhiều hơn hai cán bộ đã đẩy ông vào con đường phải nhận tội oan. Ông nói: “Trực tiếp là điều tra viên Trần Nhật Luật, Nguyễn Hữu Tân, Ngô Đình Dung, Nguyễn Trung Thành, Đoàn Văn Biên và kiểm sát viên Đặng Thế Vinh... Họ thay nhau hỏi cung tôi cả ngày lẫn đêm. Lúc thì ông Tân cầm con dao đe dọa, rồi đến ông Luật cầm cái búa đòi đánh vào đầu tôi. Họ đọc rồi bắt tôi chép lại đơn tự thú. Riêng ông Vinh, lần nào gặp tôi ông cũng dọa nếu không ký nhận tội sẽ đánh cho đến chết”, ông Chấn bần thần nhớ lại.

Nhắc về điều tra viên Trần Nhật Luật, ông Chấn vẫn không giấu được khuôn mặt hoảng sợ. Trong ký ức của “người tù chung thân”, ông Luật là người to béo, tóc xoăn và luôn to tiếng mỗi khi giáp mặt. “Ngày tôi mới bị bắt tạm giam, cứ đêm đến là ông Luật gọi sang phòng lấy cung và bắt tôi vẽ dao. Lúc ấy chỉ có tôi và ông ấy trong một phòng, tôi không biết vẽ cây dao như thế nào cho đúng ý ông ấy nên lại bị đánh. Tôi đau đớn đến ngất đi nhưng ông ấy vẫn tiếp tục dọa nạt. Tôi vẫn nhớ như in có đêm ông ấy lấy túi sâm trong túi ra uống mà không cần nước cho lại sức để tiếp tục đánh đập và bắt tôi phải nhận tội giết người. Ông ấy cũng thường xuyên dọa tôi: “Mày không nhận tao đập cho mày một cái chết như con H. (tên nạn nhân trong vụ án –PV)”.

Theo lời ông Chấn, ngoài Trần Nhật Luật, điều tra viên Nguyễn Hữu Tân (đã chết – PV) cũng là người rất hay đánh ông “chết đi sống lại”. Với tâm lý “thôi cứ nhận tội đi cho đỡ bị đánh, ra tòa cãi sau” nên ông Chấn cuối cùng cũng ký vào đơn nhận tội.

“Sau khi đã có đơn tự thú và lời khai nhận tội, tôi lại trải qua quá trình... làm diễn viên. Họ bắt tôi phải tập như tập kịch, phải đọc thuộc lòng các lá đơn tự thú. Sau đó, họ lấy một thứ giả làm dao bắt tôi học đâm. Rồi họ cho một người làm giả cô H. (nạn nhân) để tôi tập bế lên đặt xuống và thực hiện việc gây án do họ sắp đặt. Phần vì đau đớn, phần thì hoảng sợ nên tôi đành phải răm rắp làm theo”, ông Chấn kể lại.

Cũng theo lời ông Chấn, sau khi ông đã khá “thuộc bài” và thành thạo các động tác, ông được yêu cầu thực nghiệm điều tra trong một căn nhà mượn tạm, diễn lại những cảnh đã tập để camera quay lại. Do chậm chạp và hay quên nên ông Chấn phải diễn đi, diễn lại rất nhiều lần...

Ông Chấn vẫn hoảng sợ khi nhắc đến điều tra viên ép cung - 2

Ông Chấn cho biết, hiện ông vẫn còn di chứng trên tay do bị các điều tra viên ép cung từ 10 năm trước.

“Nhìn thấy mặt kiểm sát viên Đặng Thế Vinh là tôi khóc”

Trong suốt câu chuyện, ông Nguyễn Thanh Chấn nhiều lần nhắc tới kiểm sát viên (KSV) Đặng Thế Vinh, đại diện VKS tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm ngày 26/3/2004. Ông Chấn vẫn nhớ rõ tại phiên tòa này, khi chủ tọa đọc tên thành phần của HĐXX và đại diện VKS tỉnh Bắc Giang, ông đã chỉ thẳng tay về phía ông Vinh và đề nghị được thay đổi. Theo lời ông, trước đó nhiều lần ông Vinh có hành động dọa nạt, bắt ông Chấn ký vào đơn nhận tội. Tuy nhiên, sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa đã bác lời đề nghị của ông Chấn.

“Ông Đặng Thế Vinh dáng người nhỏ, thấp, ít tuổi hơn tôi. Trước khi ra tòa thì ông ấy cũng trực tiếp gặp tôi nhiều lần. Ông ấy không trực tiếp đánh nhưng luôn miệng dọa nạt nếu tôi không nhận tội thì sẽ bị giết chết như chị H.. Tôi gặp ông Vinh nhiều lần lắm, có lần ngồi trong phòng suốt 3 giờ đồng hồ, lần nào ông ấy cũng bắt phải ký vào giấy nhận tội. Lúc ấy, tôi đành phải ký để mong ra tòa được kêu oan. Thế nên, khi vừa nghe chủ tọa phiên tòa đọc tên ông ấy và khi ngước mặt lên thấy ông ấy ngồi phía bên trên tôi đã bật khóc. Lúc ấy tôi nghĩ chết đến chín phần, phía sau thì nghe tiếng khóc của vợ và người nhà tôi...”, ông Chấn nghẹn ngào.

Với giọng nói thều thào, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn tiếp lời: “Trước hôm ra tòa, ông Đặng Thế Vinh có gọi tôi lên phòng làm việc và bảo tôi viết vào giấy xin lỗi gia đình bị hại để cho chồng được giảm án. Tôi vẫn một mực đưa các chi tiết chứng minh chồng tôi không phải là hung thủ thì ông Vinh dọa: “Không nhận tội thì chồng bà vẫn phải chết””.

Cũng theo lời bà Chiến, Trần Nhật Luật chính là người đã liên tục đề nghị bà Chấn không khiếu kiện và chính ông này cũng nhiều lần gọi bà Chiến lên trên trụ sở công an để cho bà đọc những bằng chứng xác nhận chồng bà chính là thủ phạm. “Lúc ông Chấn chưa ra tòa, ông Luật có lần gọi tôi lên cho tôi đọc lá thư ông Chấn viết nhận tội. Có hôm thì lại là băng ghi âm ông Chấn nhận tội. Nhưng tôi không tin, tôi nghĩ rằng họ đã ép chồng tôi phải làm thế”, bà Chiến cay đắng nhớ lại.

Nói về việc này, ông Chấn nhấn mạnh: “Từ ngày tôi được thả tự do đến nay cũng chưa có một cán bộ nào liên quan đến vụ án đến thăm hỏi. Quan điểm của tôi ngay từ đầu là sẽ theo kiện đến cùng để kẻ xấu phải chịu tội. Có chết, tôi cũng không xin giảm nhẹ tội cho họ. Phải để cho chịu sự trừng phạt của pháp luật để họ hiểu được nỗi nhục nhã, ê chề của một con người bị họ đẩy vào cảnh tù oan”.

Sẽ tiếp tục khiếu kiện nếu bồi thường không thỏa đáng

Nói về khoản tiền yêu cầu bồi thường cho 10 năm ngồi tù oan của mình, ông Chấn cho biết, gia đình ông đã ủy quyền cho người em cọc chèo Thân Ngọc Hoạt và nhờ tư vấn của luật sư. “Hiện tại, gia đình tôi chưa nghĩ được đâu là con số chính xác. Nếu mức bồi thường quá thấp, chúng tôi sẽ khiếu kiện. Các anh đều biết là chúng tôi đã khổ sở thế nào sau khi tôi bị kết án oan. Gia đình tan nát, vợ tôi thì ốm đau triền miên. Có những thứ tiền cũng không mua được...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Nguyễn - Cao Tuân (Đời sống & Pháp luật)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN