Cuộc đua độc mã của tướng đảo chính Thái Lan

Việc tướng đảo chính Thái Lan được đưa lên làm Thủ tướng được coi là động thái củng cố quyền lực của quân đội nước này.

Ngày 21/8, Quốc hội Thái Lan với thành phần chủ yếu được lựa chọn một cách cẩn thận từ quân đội và cảnh sát đã nhất trí “bầu” tướng đảo chính Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Lục quân Thái Lan lên làm Thủ tướng trong một cuộc chạy đua “một mình một ngựa” nhằm củng cố quyền lực của quân đội nước này.

Trong cuộc bỏ phiếu được tiến hành sáng ngày 21/8, không có bất kỳ đại biểu nào trong Quốc hội được chỉ định của Thái Lan phản đối việc đưa viên tướng Tư lệnh Lục quân 60 tuổi lên làm Thủ tướng sau cuộc đảo chính chóng vánh lật đổ chính phủ dân bầu hôm 22/5.

Cuộc đua độc mã của tướng đảo chính Thái Lan - 1

Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Lục quân Thái Lan

Động thái trút bỏ quân phục để ngồi lên chiếc ghế Thủ tướng của ông Prayuth được coi là hành động để củng cố vững chắc quyền kiểm soát của quân đội, một thế lực chính trị hùng hậu trong chính trường vốn rất bất ổn của Thái Lan.

Trước đó, chính quyền quân sự Thái Lan với tên chính thức là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) đã loại trừ khả năng tổ chức tổng tuyển cử bầu chính phủ mới cho đến cuối năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc ông Prayuth sẽ giữ vai trò Thủ tướng thêm ít nhất 14 tháng nữa.

Quyết định bầu ông Prayuth làm Thủ tướng được 191 trong số 197 thành viên Quốc hội ủng hộ, trong đó có 3 đại biểu không bỏ phiếu và 3 đại biểu vắng mặt. Trong cuộc bỏ phiếu này, chỉ có duy nhất ông Prayuth được đề cử mà không có bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khác.

Đại biểu Quốc hội Tuang Untachai, người đã đề cử tướng Prayuth vào chiếc ghế Thủ tướng tuyên bố: “Chúng ta cần một nhà lãnh đạo có thể đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Chúng ta phải gạt bỏi mọi bất đồng để đưa đất nước tiến lên phía trước”.

Chính quyền quân sự Thái Lan đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục song hành tồn tại với chính phủ mới do Thủ tướng Prayuth lập ra trong thời gian tới.

Cuộc đua độc mã của tướng đảo chính Thái Lan - 2

Tướng Prayuth sẽ trút bỏ quân phục để ngồi lên chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan

Quyết định bổ nhiệm tướng Prayuth sẽ phải được Quốc vương Bhumibol Adulyadej phê chuẩn trong thời gian tới, mặc dù việc phê chuẩn này chỉ mang tính hình thức.

Tướng Prayuth thường được mô tả là “kiến trúc sư” của cuộc đàn áp đẫm máu do quân đội thực hiện đối với người biểu tình “Áo Đỏ” ủng hộ ông Thaksin vào năm 2010, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Trước khi lên nắm quyền, viên tướng lục quân này đã tuyên bố rằng ông sẽ không cho phép Thái Lan trở thành một “Ukraine hoặc Ai Cập” thứ hai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AFP, Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN