Ngắm những tác phẩm độc đáo từ gốc tre bỏ đi

Từ những gốc tre sần sùi tưởng chừng như bỏ đi, người đàn ông sinh ra ở phố Hội sử dụng vào nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Từ đó anh vươn lên thoát nghèo và giải quyết được vấn đề việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương…

Nhiều năm qua, du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ Hội An không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ gốc tre do anh Huỳnh Phương Đỏ (43 tuổi, tổ 8, khối Tân Thành, phường Cẩm An, TP.Hội An) chế tác tại cơ sở bên bờ sông Hoài.

Anh Đỏ cho biết, cơ duyên khiến anh đến với nghề này từ năm 18 tuổi. Thời điểm ấy, một trận bão ập đến Quảng Nam, nước lũ dâng cao ngập gần đến nóc nhà gia đình anh. Thấy gốc tre nổi lềnh bềnh trong dòng nước lũ, trong lúc rảnh rỗi, anh đã vớt lên và ngồi mày mò, đục đẽo sáng chế ra những hình dáng mặt người.

Làm được vài cái đầu tiên, anh bắt đầu đam mê và bỏ thời gian nghiên cứu để làm tiếp nhiều sản phẩm khác nhau. Qua bàn tay điêu luyện của anh Đỏ, những nhân vật như Quan Công, Hải Thượng Lãn Ông, Phúc-Lộc-Thọ,… hiện lên rất có hồn.

Anh tiết lộ, vật liệu anh thường đi kiếm vào những dịp cuối năm. Những ngày này, anh tìm đến những vùng quê, thấy người ta có gốc tre bỏ đi thì xin về hoặc mua với giá rẻ. Sau đó, mang về ngâm dưới bùn để cây tre được chắc, tránh sau này khỏi mối mọt ăn. Khoảng 6 tháng sau, anh đào lên rồi dùng máy xịt nước rửa sạch, phơi khô và đưa vào chế tác.

Cũng theo anh Đỏ, chạm khắc gốc tre khó hơn rất nhiều so với gỗ, nếu không đam mê, kiên trì thì rất khó thành nghề. Bởi bề mặt của nó gồ ghề với nhiều mắt và rễ. Nếu người làm không tinh tường, khéo léo và có óc thẩm mĩ thì sẽ rất khó tận dụng hết đường nét tự nhiên và vẻ đẹp tiềm ẩn của các gốc tre.

Những sản phẩm độc đáo từ bàn tay điêu luyện của anh, du khách rất ấn tượng và ưa chuộng mua về làm quà cho người thân. Mỗi sản phẩm từ gốc tre bán đi cũng được từ 150 nghìn đến 1 triệu đồng. Sản phẩm của anh không chi tiêu thụ tại phố cổ và còn sản xuất theo đơn đặt hàng từ Sa Pa đến TP.HCM. Gần đây nhất, anh xuất đi một lô hàng đến Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) thu về 15 triệu.

Nguồn thu nhập này đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Vợ anh, chị Trần Thị Thu Vân (44 tuổi) trước kia chỉ ở nhà nội trợ. Nhưng từ khi chồng mở cơ sở sản xuất và kinh doanh, chị cũng trở thành người giỏi ngoại ngữ để giới thiệu sản phẩm cho du khách.

Khi kinh tế gia đình đã ổn định, anh kêu gọi những thanh niên chưa có việc làm ở địa phương đến cơ sở để dạy nghề. Những ai đến học anh không lấy học phí, mà còn trả lương theo theo sản phẩm thực hành.

Đến nay, anh đã dạy nghề này cho hơn 30 người. Khi đã thành thạo, phần lớn học trò của anh đều về nhà tự mở cơ sở riêng làm bán phục vụ du khách. Hiện có 3 học trò đang làm cho anh, lương mỗi tháng cũng được 6 đến 7 triệu đồng.

Trong tương lai, anh Đỏ mong muốn sẽ mở rộng thêm cơ sở sản xuất ở Đà Nẵng để mở rộng thị trường và tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên khác trong và ngoài tỉnh.

Ngắm những tác phẩm độc đáo từ gốc tre bỏ đi - 1

Từ những gốc tre tưởng như bỏ đi, anh Huỳnh Phương Đỏ đã làm ra những sản phẩm độc đáo và có hồn như thế này.

Ngắm những tác phẩm độc đáo từ gốc tre bỏ đi - 2

 Mỗi sản phẩm đưa lên bày bán giá từ 150 ngàn đến 1 triệu đồng.

Ngắm những tác phẩm độc đáo từ gốc tre bỏ đi - 3

Anh Đỏ giới thiệu gương mặt danh nhân do anh chạm khắc theo. Đây là một giáo dĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha có công vào lĩnh vực thương mại Hội An thế kỉ 15-16.

Ngắm những tác phẩm độc đáo từ gốc tre bỏ đi - 4

Những sản phẩm độc đáo, lạ mắt…

Ngắm những tác phẩm độc đáo từ gốc tre bỏ đi - 5

Khiến du khách ngỡ ngàng và thích thú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN