Chung cư Vũng Thùng hư hỏng: Ai chịu trách nhiệm?

Công ty TNHH MTV Xây dựng & Phát triển hạ tầng, đơn vị thi công cho rằng, quá trình thi công tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu thiết kế; hư hỏng, xuống cấp trách nhiệm chính phải là chủ đầu tư và tư vấn giám sát.

Báo cáo số 1323/ BC-BQL ngày 31-7-2012 của BQL dự án công trình đường Bạch Đằng Đông về hư hỏng công trình khu chung cư Vũng Thùng, giải trình: “Trong quá trình triển khai thi công, nghiệm thu tuân thủ theo đúng quy trình, quy phạm xây dựng cơ bản hiện hành; hồ sơ quản lý chất lượng đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Quyết định 18/ 2003/ QĐ- BXD ngày 27-6-2003 của Bộ Xây dựng ban hành về quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng”. Bản kiểm điểm tập thể của Ban theo chỉ đạo của UBND TP cũng thể hiện lại điều này.

Phòng Quản lý chất lượng của Sở Xây dựng ghi nhận: “Theo kết luận của Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng thì: Hàm lượng Cl trong bê-tông không đạt yêu cầu kỹ thuật về tính năng chống ăn mòn trong môi trường biển theo Tiêu chuẩn TCXDVN 327-2004 “Kết cấu bê-tông và cốt thép – Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển” gây ra ăn mòn cốt thép. Như vậy, nguyên nhân của việc hư hỏng các nhà A5, A6 chung cư Vũng Thùng do cốt thép bị ăn mòn, trương nở thể tích, gây nứt bê-tông, đồng thời do chất lượng bê-tông không đảm bảo”. Còn lý do tại sao bê-tông bị trương nở, cốt thép bị ăn mòn không thấy đề cập đến.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hòa, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng cho rằng: rất nhiều nguyên nhân gây nên sự cố hư hỏng nhà A5, A6 chung cư Vũng Thùng, như môi trường, khí hậu và rất có thể cát dùng đổ bê-tông bị nhiễm mặn... Anh Nguyễn Hồng Thanh, Phó ban, kỹ sư Lê Văn Khoa, đều ở Ban Quản lý dự án xây dựng thành phố (đơn vị quản lý điều hành hạng mục khắc phục sự cố hư hỏng tại nhà A5, A6), cho rằng: khâu thiết kế chưa thật hợp lý. Trong khi trụ chịu lực bố trí nhiều sắt thép, nhưng kích thước  chỉ 25 cm X 40 cm, không đảm bảo cho kết cấu bê-tông có độ bền vững cần thiết. Bê-tông không đảm bảo M200, do lượng xi-măng bị thiếu so với quy định và rất có thể khi đổ bê- tông xong gặp trời nắng to, việc bảo dưỡng tưới nước không chu đáo.

Chung cư Vũng Thùng hư hỏng: Ai chịu trách nhiệm? - 1

Nhà A5, chung cư Vũng Thùng nhìn từ ngoài

Cho đến nay chưa tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm về sự xuống cấp nghiêm trọng ở 2 nhà A5, A6 chung cư Vũng Thùng. 2 đơn vị được UBND TP yêu cầu phải kiểm điểm đều cho rằng họ làm đúng yêu cầu thiết kế. 2 cán bộ giám sát thuộc BQL dự án công trình đường Bạch Đằng Đông, yêu cầu kiểm điểm cá nhân thì một đã nghỉ việc. Bản kiểm điểm của ông Trần Thanh Hùng, chuyên viên, giám sát công trình nêu: “Tôi đã tuân thủ và thực hiện đúng quy trình, quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng Nhà nước ban hành. Trong quá trình điều hành, giám sát thi công công trình đến khi bàn giao đưa vào sử dụng, nhận thấy nhà thầu tổ chức thi công vẫn bình thường, không thấy dấu hiệu sai sót ở công tác nào. Tôi nhận thấy sự việc xảy ra tại nhà A5, A6 chung cư Vũng Thùng là có phần trách nhiệm của mình, đến nay tôi vẫn chưa tìm được nguyên nhân xảy ra sự việc nêu trên”. Ai cũng làm đúng, thế mà công trình chỉ mới 6 năm đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng, kể cũng lạ.

Ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Cty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng, đơn vị quản lý toàn bộ chung cư trên địa bàn thành phố, cho biết: Cty chỉ nhận bàn giao nhà chung cư theo kiểu chìa khóa trao tay, không thể nắm được chất lượng công trình. Việc hư hỏng tại nhà A5, A6 gây khó khăn rất lớn cho việc bố trí các gia đình cán bộ vào ở, bởi khá nhiều căn hộ bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu hư hỏng tại 2 nhà này không giải quyết dứt điểm, quy trách nhiệm cụ thể, nhiều chung cư khác sẽ lâm vào tình trạng tương tự, tức là hư hỏng sẽ đổ lỗi cho khách quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Nam (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN