Hoạt động chốt lời gây áp lực lên chứng khoán

Sau nhiều phiên tăng mạnh, hoạt động chốt lời gia tăng gây áp lực lớn lên thị trường chứng khoán.

Sàn thành phố Hồ Chí Minh

Những phiên giao dịch lạc quan diễn ra liên tiếp trên sàn thành phố Hồ Chí Minh khiến nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường. Mở đầu phiên sáng nay, sắc xanh sớm bao phủ cả bảng giao dịch điện tử. VN-Index đi lên khá bền vững.

VN-Index không mất quá nhiều thời gian để tiến sát ngưỡng 630 điểm. Tuy nhiên, ngay khi gần chinh phục được mốc quan trọng này, áp lực chốt lời xuất hiện. Sau 30 phút giao dịch, có thời điểm VN-Index rơi xuống dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, do lực cầu vẫn tương đối mạnh nên VN-Index nhanh chóng phục hồi. Đà xanh duy trì trong suốt phiên chiều. Đóng cửa phiên giao dịch 26/8, VN-Index tăng 3,18 điểm, tương ứng 0,51% và đóng cửa ở mức 629,06 điểm. Tốc độ đi lên của VN-Index đã có dấu hiệu chững lại.

Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh. Tổng khối lượng giao dịch đạt 135.433.540 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.594,78tỷ đồng, giảm khoảng 30% so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận cũng đi lùi và đạt 6.282.430 cổ phiếu, tương đương 120,31 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận có 94 mã tăng giá, 69 mã đứng giá và 124 mã giảm giá.

VN30-Index tăng mạnh hơn VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, VN30-Index tăng 6,49 điểm, tương ứng 0,98% dừng ở mức 668,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61.209.830 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.577,44  tỷ đồng, giảm hơn 30%. Nhóm VN30-Index có 12 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 14 mã giảm giá.

Hôm nay, FPT bất ngờ tăng tốc. FPT tăng 2.500 đồng/CP lên 55.000 đồng/CP. Trong phiên, có nhiều thời điểm FPT gần đạt giá tăng trần. FPT đã có cú “lội ngược dòng” khi đầu phiên giảm xuống 52.000 đồng/CP.

Một số blue-chip tăng nhẹ hơn FPT có thể kể đến như BVH tăng 1.600 đồng/CP lên 44.400 đồng/CP. KDC tăng 1.500 đồng/CP lên 70.500 đồng/CP. HPG tăng 1.000 đồng/CP lên 61.000 đồng/CP. DPM tăng 900 đồng/CP lên 32.400 đồng/CP. DRC tăng 500 đồng/CP lên 56.000 đồng/CP. HSG tăng 500 đồng/CP lên 44.600 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, blue-chip giảm khá nhẹ. PVD giảm 1.500 đồng/CP xuống 98.500 đồng/CP. MSN giảm 1.000 đồng/CP xuống 84.500 đồng/CP. GMD giảm 700 đồng/CP xuống 36.700 đồng/CP. FLC giảm 400 đồng/CP xuống 12.600 đồng/CP. STB giảm 300 đồng/CP xuống 18.900 đồng/CP. VSH giảm 100 đồng/CP xuống 14.600 đồng/CP.

Trong khi cổ phiếu dầu khí hạ nhiệt, cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì được đà hưng phấn với nhiều mã tăng trần. KBC tăng 800 đồng/CP lên 13.200 đồng/CP. SJS tăng 1.500 đồng/CP lên 23.700 đồng/CP. Cả 2 mã này đều có 3 phiên tăng trần liên tiếp với lượng dư mua trần khá lớn. Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng đóng cửa trong sắc tím có thể kể đến như KAC tăng 800 đồng/CP lên 12.500 đồng/CP. PTC tăng 400 đồng/CP lên 6.300 đồng/CP.

Không được nhắc đến nhiều nhưng KSH lại là cổ phiếu bứt phá mạnh nhất thời gian này với chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp. Hôm nay, KSH tăng 700 đồng/CP lên 10.800 đồng/CP.

Sàn Hà Nội

Sàn Hà Nội tiếp tục có tốc độ tăng vượt trội so với sàn thành phố Hồ Chí Minh. Đóng cửa phiên giao dịch 26/8, HNX-Index tăng 0,89 điểm, tương ứng 1,04% và đóng cửa ở mức 85,69 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội không những không giảm mạnh như sàn thành phố Hồ Chí Minh mà con tăng nhẹ.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 90.550.654 cổ phiếu, tương ứng 1.163,97 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 2.025.931 cổ phiếu, tương ứng 22,44 tỷ đồng, đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 109 mã tăng giá, 76 mã đứng giá và 93 mã giảm giá.

HNX30-Index có tốc độ tăng mạnh hơn HNX-Index và là chỉ số đi lên mạnh nhất trên cả 2 sàn. Chốt phiên ngày 26/8, HNX30-Index tăng 2,59 điểm, tương ứng 1,49% và đóng cửa ở mức 175,81 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 62.938.900 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 910,93 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trên sàn Hà Nội. Trong nhóm ghi nhận 14 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 10 mã giảm giá.

Trên sàn Hà Nội, nhóm cổ phiếu bất động sản và dầu khí vẫn duy trì được đà tăng mạnh. Trong đó blue-chip nhóm bất động sản có tới 2 mã tăng trần. SD6 tăng 1.400 đồng/CP lên 15.500 đồng/CP. SD9 tăng 1.300 đồng/CP lên 15.200 đồng/CP. Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư bán của cả 2 mã này đều trống trơn.

Trong khi đó, blue-chip nhóm dầu khí dù tăng mạnh nhưng không mã nào dừng trong sắc tím. PVC tăng 2.800 đồng/CP lên 34.300 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần đúng 100 đồng/CP. PVS tăng 2.000 đồng/CP lên 41.500 đồng/CP. PVX tăng 100 đồng/CP lên 5.100 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN