Cổ phiếu chứng khoán “sốt nóng”

Dù thị trường bất ngờ đảo chiều đi xuống cuối phiên, cổ phiếu chứng khoán vẫn nóng hầm hập.

Sàn thành phố Hồ Chí Minh

Đầu phiên giao dịch cuối tháng, nhà đầu tư vẫn có cơ sở tin tưởng rằng đợt điều chỉnh của VN-Index đang dần qua đi khi VN-Index tăng nhẹ. Hết đợt 1, VN-Index tăng 2,12 điểm. Mặc dù giằng co khá mạnh nhưng VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh cho tới kết thúc đợt 2.

Tuy nhiên, tới cuối phiên, thị trường bất ngờ suy giảm. Lực cung ngày càng lấn át lực cầu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, VN-Index giảm 2,72 điểm, tương ứng 0,46% và dừng ở mức 591,57 điểm. VN-Index ngày càng lùi xa ngưỡng quan trọng 600 điểm.

Thanh khoản suy giảm cùng sự đi xuống của VN-Index. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119.514.830 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.098.74 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 2.430.730 cổ phiếu, tương ứng 121,49 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận có 70 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 171 mã giảm giá. 

VN30-Index giảm mạnh hơn VN-Index. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, VN30-Index giảm 5,88 điểm, tương ứng 0,87% và dừng ở mức 670,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43.221.220 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.092,49 tỷ đồng, thanh khoản giảm nhẹ so với cuối tuần trước. Nhóm VN30-Index có 5 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 19 mã giảm giá. 

Hôm nay, đa số các mã từ blue-chip, midcap tới penny đồng loạt giảm điểm. Trong đó, blue-chip đóng vai trò dẫn dắt thị trường đi xuống khi có tới 19/30 mã giảm giá. Chỉ có 5 mã tăng giá. Đó là HAG tăng 100 đồng/CP lên 28.100 đồng/CP, KDC tăng 2.000 đồng/CP lên 64.000 đồng/CP, PGD tăng 600 đồng/CP lên 45.000 đồng/CP, SBT tăng 100 đồng/CP lên 13.100 đồng/CP, VSH tăng 100 đồng/CP lên 17.500 đồng/CP.

Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, cổ phiếu chứng khoán niêm yết không nhiều nhưng hai mã niêm yết SSI và HCM là những cổ phiếu chứng khoán lớn trên thị trường. SSI tăng 500 đồng/CP lên 29.800 đồng/CP, HCM tăng 600 đồng/CP lên 42.500 đồng/CP. 

HCM và SSI tăng mạnh trong khi cổ phiếu nóng AGR lại đi xuống. AGR giảm 100 đồng/CP xuống 8.800 đồng/CP. Trong khoảng thời gian đầu năm 2014, AGR được đánh giá là một trong những cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng khá mạnh.

Sàn Hà Nội

Sàn Hà Nội cũng có phiên điều chỉnh giảm tại thời điểm cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch 31/3, HNX-Index giảm 0,6 điểm, tương ứng 0,67% và đóng cửa ở mức 89,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 116.942.790 cổ phiếu, tương ứng 1.523,81 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối tuần trước và khối lượng giao dịch gần bằng sàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều hiếm khi xảy ra. 

Giao dịch thỏa thuận thậm chí còn có bước đột phá mạnh hơn. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 28.058.663 cổ phiếu, tương ứng 458,75 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 84 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 153 mã giảm giá.

HXN30-Index có tốc độ đi xuống chậm hơn HNX-Index. Chốt phiên ngày 31/3, HNX30-Index giảm 0,98 điểm, tương ứng 0,53% và đóng cửa ở mức 183,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46.773.100 cổ phiếu, tương ứng 601,11 tỷ đồng, giảm rất nhẹ so với hôm qua. Trong nhóm có 8 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 15 mã giảm giá.

Cổ phiếu chứng khoán đang trở thành tâm điểm trên sàn Hà Nội khi rất nhiều mã đồng loạt tăng rất mạnh. APG tăng trần, tăng 600 đồng/CP lên 6.900 đồng/CP, BVS tăng 900 đồng/CP lên 18.500 đồng/CP, CTS tăng 400 đồng/CP lên 12.100 đồng/CP, KLS tăng 400 đồng/CP lên 15.000 đồng/CP, SHS tăng 300 đồng/CP lên 10.200 đồng/CP, VND tăng 600 đồng/CP lên 18.100 đồng/CP.

Hôm nay, giao dịch thỏa thuận là một điểm nhấn trên sàn Hà Nội khi tăng đột biến. VIX là mã được trao đổi nhiều nhất khi khối lượng mua bán đạt 22,25 triệu đơn vị. Đây có thể là số cổ phiếu của ông Nguyễn Đức Thụy-Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành. Hồi cuối tháng 3, ông Thụy đăng ký bán toàn bộ 22,25 triệu cổ phiếu mà ông nắm giữ.

Điều đáng nói, mặc dù khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt mức “khủng” nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh của VIX lại không thể thấp hơn. Không có bất cứ cổ phiếu VIX nào được trao tay khi cung và cầu không gặp nhau. Trong khi bên mua muốn mua giá sàn thì bên bán lại chỉ muốn bán ra ở mức cao, thậm chí có dư bán ở mức giá trần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN