Lơ lửng dự án thép tỉ đô

Sau 8 năm nhùng nhằng, Tập đoàn Sản xuất thép hàng đầu thế giới JFE của Nhật Bản xin rút khỏi dự án thép có vốn đầu tư 3 tỉ USD trong Khu Kinh tế Dung Quất

Ngày 16-9, ông Võ Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi), xác nhận trong cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây, Tập đoàn Sản xuất thép hàng đầu thế giới JFE của Nhật Bản thông báo ngừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian và họ đã có văn bản gửi Chính phủ. Đây là dự án thép lớn nhất nhì cả nước với số vốn đầu tư hiện tại là 3 tỉ USD và đang xin tăng vốn lên 4,5 tỉ USD.

Đòi trả lại 50 triệu USD

Theo ông Dũng, lý do Tập đoàn JFE xin không đầu tư vì cho rằng thị trường thép hiện nay đang suy giảm, chưa có hướng phát triển trong khi có nhiều dự án thép lớn đang triển khai xây dựng tại Việt Nam cũng như một số nước lân cận… Còn về phía Tập đoàn E-United (tập đoàn của Đài Loan, liên doanh với JFE) thông báo có quyết định làm hay không thì đến ngày 19-9 tới đây, khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, họ mới chính thức đưa ra quyết định.

Lơ lửng dự án thép tỉ đô - 1

Khu vực thực hiện dự án Nhà máy Thép Guang Lian hiện vẫn là bãi đất trống

“Về phía chúng ta có 2 hướng xử lý: Một là, đồng ý cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án nhưng phải đưa ra tiến độ cụ thể. Hai là, nếu họ không chấp nhận tiến độ hoàn thành do mình đưa ra thì cho dừng dự án và phía Việt Nam phải hoàn trả chi phí hợp lý cho nhà đầu tư đã bỏ ra. Hiện Tập đoàn E-United đòi chúng ta 50 triệu USD nếu dự án không tiếp tục xây dựng” - ông Dũng cho biết.

Dự án thép Guang Lian được cấp phép triển khai từ năm 2006 do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký ban đầu hơn 1 tỉ USD. Sau 4 lần điều chính giấy phép, vốn đầu tư tăng lên 3 tỉ USD. Đến đầu năm 2012, Tập đoàn JFE quyết định liên doanh với E-United xây nhà máy thép trên diện tích 700 ha, công suất hơn 7 triệu tấn sản phẩm/năm.

Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Ban KKT Dung Quất, cho biết không những vốn đăng ký đầu tư “khủng”, năm 2013, Tập đoàn JFE còn đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (10%), cung cấp nguồn nước công nghiệp 200.000 m3/ngày, kết nối điện lưới quốc gia, sử dụng 210 ha mặt nước biển… Dù có khá nhiều ưu đãi và theo dự kiến, tháng 7-2013 họ sẽ khởi động dự án nhưng lùi lại đến tháng 7-2014, đến nay lại thông báo ngưng đầu tư.

Ảnh hưởng hàng ngàn hộ dân

Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đến thời điểm này, dự án thép Guang Lian mới triển khai được một số hạng mục như: khối nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, tường rào, đóng một số cọc trên mặt bằng nhà máy... với tổng giá trị giải ngân khoảng 73 triệu USD.

Có mặt tại khu vực triển khai dự án thép Guang Lian trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm hecta đất được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi bỏ kinh phí cả trăm tỉ đồng để giải tỏa vẫn chỉ là khu để… thả bò. Trong khu đất rộng mênh mông, lác đác có vài trụ thép do chủ đầu tư đóng xuống giờ đang… gỉ mục.

Cạnh khu đất là cuộc sống khốn khổ của hàng trăm hộ dân các xã Bình Thuận, Bình Đông (huyện Bình Sơn). Từ khi nhường đất cho dự án, người dân phải dọn về ở các khu tái định cư thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, hằng ngày bươn chải đủ mọi nghề kiếm sống.

Điều đáng nói, dù không quyết liệt triển khai thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư lại xây tường rào chia cắt các tuyến đường chính trong khu vực khiến rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. “Từ khi chủ đầu tư dự án thép Guang Lian xây tường cắt đường ra cảng, như nhiều doanh nghiệp khác, mỗi ngày chúng tôi phải mất hàng chục triệu đồng tiền xăng do phải vận chuyển hàng bằng đường vòng, xa hơn” - ông Nguyễn Hồng Vân, chủ doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ trong KKT Dung Quất, phản ánh. 

Tiềm năng thị trường không còn

Ông Đỗ Duy Thái, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng việc Tập đoàn JFE ngừng đầu tư dự án thép Guang Lian là tất yếu. Sau khi Guang Lian khởi động ở Quảng Ngãi, nhiều tập đoàn khác như Formosa, Posco… cũng đầu tư thêm các dự án thép lớn khác. “Thị trường nhỏ nhưng nhiều nhà đầu tư nhảy vào trong khi cung đang vượt cầu ở tất cả các mặt hàng như thép tấm, thép cán cuộn, thép xây dựng… Việc JFE thôi đầu tư có thể hiểu do tiềm năng thị trường không còn và họ cũng không đầu tư cho tương lai. Chưa kể ngành thép trong nước đang phải “vật lộn” với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc” - ông Thái nhận xét.  

T.Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tử Trực (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN