Điều quan trọng là có xăng để mua

“Điều hành là làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó mới tính tới giá cả hợp lý”?!

Trả lời những thắc mắc của người dân quanh việc điều hành giá xăng, dầu, điển hình trên thực tế: giá xăng dầu trong nước không chịu giảm theo giá thế giới, trong buổi tọa đàm “Minh bạch giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường” chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, điều quan trọng là “có xăng để mua”.

Có mua là tốt rồi

Lấy ví dụ khá sinh động về thời bao cấp, ông Tú nói: “Thời bao cấp, giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không? Đôi khi có hàng hóa thì phải xếp hàng từ nửa đêm để mua mà nhiều người không mua được”.

Vậy nên, “điều hành phải làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu, sau đó mới tính tới giá cả hợp lý”, ông Tú nói.

Vị Thứ trưởng này cho rằng, việc điều hành xăng dầu là phương trình nhiều ẩn số chứ không phải chỉ để giải quyết một vấn đề. Và vấn đề mà Bộ Công thương quan tâm nhất là đảm bảo nguồn cung, dự trữ khi thị trường bất ổn.

Trong khi đó, trả lời về vấn đề này, Cục trưởng cục Quản lý giá-Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc điều hành giá phải theo sát tín hiệu thị trường thế giới. Mặt khác, phải tính đủ thời gian giá cơ sở 30 ngày để tính giá bán lẻ.

Thừa nhận việc tính giá cơ sở 30 ngày dẫn đến việc điều hành sẽ lỗi thời so với tín hiệu thị trường, ông Tuấn khẳng định, Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu sẽ điều chỉnh rút ngắn thời gian tính giá cơ sở.

“Chúng tôi đang nghiên cứu và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày”, ông Tuấn cho biết.

Nguyên nhân tại “thuế”?

Giải thích những thắc mắc quanh việc “lên nhanh, xuống chậm”, đứng về phía DN kinh doanh, ông Bùi Ngọc Bảo-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, việc điều chỉnh giá rất minh bạch bởi, mỗi lần điều chỉnh giá đều có họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bảo, nếu nhìn vào cả chu kỳ thì không minh bạch vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào.

Ông Bảo giải thích: nếu nhìn lại kết cấu giá năm 2012, giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%. Trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch, cấu thành yếu tố giá thì trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ba dữ kiện này cùng “chạy” thì sẽ ảnh hưởng đến giá cuối cùng.

Ông Bảo cho biết, trong thời gian dài, việc tổ chức vận hành thuế của chúng ta thiên về bình ổn giá, nghĩa là giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm về bằng 0%. Do đó, giá bán sẽ không theo xu thế giới, chỉ tăng vừa phải.

“Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm bình ổn giá và khi giá hạ thì điều chỉnh thuế. Trong năm 2012, gần như thuế bằng 0% trong 6 tháng đầu và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao. Tất yếu đến nay khi giá xăng dầu thế giới hạ thì phải có thuế. Những bức xúc của dư luận về tăng nhanh giảm chậm là vì thế”, ông Bảo phân tích.

Để giải quyết cốt lõi vấn đề, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho rằng phải thực hiện đúng quy định, là phải ổn định thuế. Bởi, mục tiêu thứ nhất của thuế là nguồn thu ngân sách chính; mục tiêu tiếp theo là giá.

Theo ông Bảo, quy định 30 ngày, 20 hay 10 ngày đối với doanh nghiệp không quan trọng. “Quy định 10, 20, 30 ngày phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu của chúng ta chứ không phụ thuộc vào việc giá thế giới tăng nhanh hay chậm. Nếu ta không đánh giá kỹ điều này thì có sửa đổi Nghị định cũng không quy định được, và sẽ lại tăng nhanh, giảm chậm”, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN