Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi

Ong nuôi lấy mật tại các trại nuôi ong của tỉnh Quảng Ngãi đang là đề tài bàn luận với những luồng ý kiến trái ngược nhau về chuyện lợi – hại của ong đối với cây trồng của bà con nông dân. Dân nói ong đang gây hại đối với mùa màng, phá hoại cây trồng còn các “chuyên gia” của ngành nông nghiệp thì một mực khăng khăng cho rằng ong mật hoàn toàn không gây hại mà ngược lại rất có lợi cho cây trồng…

“Ong bu hại lúa nhà tôi”

Đứng cạnh trại nuôi ong của ông Nguyễn Trọng Tính, quê ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) đưa ong mật về xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) – trại ong đã bị bà con nông dân trong làng đập phá, xịt thuốc giết ong – nông dân Nguyễn Cùng, thôn 1, xã Nghĩa Lâm quả quyết: “Con ong các anh này đem tới đây nuôi nó phá hoại mùa màng của bà con dữ quá”. Nói rồi ông Cùng chỉ tay ra hướng đồng ruộng bảo: “Lúa của nhà tôi và nhiều hộ nông dân khác đang trong thời kỳ trổ bông. Ngày nào trên bông lúa cũng có cả chục con ong mật bu đầy. Nó bu vào hại lúa nhà tôi. Nóng ruột quá nên dân ở đây kéo lên trại ong này để yêu cầu di dời đàn ong đi”.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 1

Nông dân bảo ong mật đang gây hại còn cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp thì bảo ong mật có lợi cho cây trồng.

Ông Nguyễn Trọng Tính – chủ trại ong buồn bã nói: “Lúc đó tôi giải thích với bà con rất nhiều về chuyện con ong mật không gây hại gì cho cây trồng nhưng bà con vẫn không tin, buộc tôi phải di chuyển đàn ong đi nơi khác. Lúc đưa đàn ong đi, dân còn ra chặn xe của tôi đòi bồi thường vì cho rằng ong phá hoại gây tổn thất cho  lúa. Để cho im chuyện, tôi đành phải đưa 1,5 triệu đồng. 19 thùng ong bị dân xịt thuốc chết cũng thiệt hại vài chục triệu đồng”.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 2

Mặc cho những kết luận được đưa ra của cơ quan chuyên môn, nhiều hộ nông dân ở Quảng Ngãi vẫn muốn đuổi đàn ong của các chủ nuôi ra khỏi địa bàn.

Đem chuyện nông dân phá trại nuôi ong lên gặp ông Trương Văn Lệ, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, ông Lệ xác nhận chuyện dân phản đối, buộc di dời các đàn ong vì ong phá lúa là có thật. Thế ông có cho rằng ong mật phá hư lúa của dân không?. “Tôi khẳng định là có hư lúa của dân. Tôi trực tiếp lên ruộng lúa kiểm tra, thấy trên bông lúa có tới vài chục con ong bu lên đó, nó dùng chân đạp rầm rầm bông lúa như vậy thì không hư sao được. Bu ít thì không nói làm gì , đằng này ong nó bu đông quá. Cho nên trong thời điểm này thì không được đem ong về đây nuôi, hư lúa của dân thì ai chịu trách nhiệm. Nếu các anh nuôi ong làm cam kết với xã là nếu lúa nông dân bị mất mùa di ong phá thì bồi thường thiệt hại cho nông dân thì địa phương mới cho tiếp tục nuôi” – ông Lệ nói. Ông Lệ cho biết, cả xã hiện có 4 trại nuôi ong. “Chúng tôi sẽ buộc di dời ra khỏi địa phương hết” – ông Lệ quả quyết.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 3

Phá hoại cả trại ong của người nuôi ong

Không chỉ ở trại nuôi ong kể trên mà ở nhiều vùng nuôi ong khác ở Quảng Ngãi, các chủ trại nuôi ong cũng bị dân “quậy tưng” vì lý do: ong mật phá hoại cây trồng, ảnh hưởng năng suất!. Ngày 14-7, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã nhận được phản ánh của ông Vũ Thanh Hiên, thường trú ở Đồng Nai di cư đàn ong mật về huyện Trà Bồng thì cũng bị người dân liên tục xua đuổi đàn ong. Ông Hiên “cầu cứu” để mong được các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để đàn ong của ông được nuôi ở Quảng Ngãi. Dù các chủ trại nuôi ong giải thích, phân trần kiểu gì thì nông dân vẫn bảo lưu ý kiến: ong gây hại cây trồng!.

“Chuyên gia” nói… lợi

Ông Tân Hữu Nhân – một chủ nuôi ong với gần 27 năm trong nghề quả quyết: “Ong mật không hề gây hại cho cây trồng, thậm chí là rất có lợi là đằng khác. Ở vùng miền Nam, Tây Nguyên, vào mùa hoa nhãn, chôm chôm,… khi đàn ong của chúng tôi đưa đến đặt nuôi nông dân ở vùng đó rất mừng. Vậy mà ở Quảng Ngãi thì nông dân lại phản ứng, không cho chúng tôi nuôi ong”. Các chủ trại nuôi ong đều “chìa” ra các văn bản của Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT về cái lợi của ong mật.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 4

Thật khó để dân hiểu và tin rằng ong mật có lợi cho cây trồng khi mà chính quyền ở một số địa phương cũng “ngã” theo ý dân.

Theo văn bản của Cục chăn nuôi do Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Thanh Vân ký ban hành gửi cho Sở NN&PTNT các địa phương thì ong mật ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi thì ong mật còn có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thụ phấn cho cây trồng như ngô, bầu, bí, các loại đậu. Ong mật hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, phát triển của hạt lúa, cây keo và cũng không làm ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng khác.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 5

Hàng trăm trại nuôi ong ở Quảng Ngãi sống chẳng yên

Ông Võ Duy Loan, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Theo nguyên lý chung là đối với các loại ong lấy mật giúp cho cây trồng thụ phấn thụ tinh thì nó không có hại được. Nông dân họ chưa hiểu về nguyên lý của đàn ong lấy mật cũng như sinh lý của cây trồng thì trách nhiệm của chính quyền địa phương phải hướng dẫn, giải thích cho nông dân hiểu”.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 6

Chủ nuôi thì thấp thỏm vì lo dân phá trại ong

Trước vụ việc này, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cũng đã gửi văn bản đến UBND các huyện, thành phố yêu cầu chính quyền các địa phương phải tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân về lợi ích của ong mật để người dân hiểu và ủng hộ việc nuôi ong mật tại địa phương, không xua đuổi đàn ong mật tại các điểm đặt nuôi, tránh để xảy ra các trường hợp đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản cho người nuôi ong mật.

Chuyện con ong: Nông dân nói hại, “chuyên gia” nói lợi - 7

Văn bản của Cục chăn nuôi khẳng định ong mật có lợi rất lớn cho cây trồng

Dân vẫn nói ong mật gây hại, chuyên gia vẫn nói ong mật có lợi. Sự nhùng nhằng này càng khiến cho người nuôi ong ở Quảng Ngãi thấp thỏm, âu lo cho số phận những đàn ong của mình khi mà dân làng vẫn kiến quyết…đuổi ong đi.                                                                                       

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Hoàng Uyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN