Trận đấu nổi bật

carlos-vs-grigor
Miami Open presented by Itau
Carlos Alcaraz
0
Grigor Dimitrov
2
daniil-vs-jannik
Miami Open presented by Itau
Daniil Medvedev
-
Jannik Sinner
-
elena-vs-victoria
Miami Open presented by Itau
Elena Rybakina
2
Victoria Azarenka
1

Đã tới lúc Nadal lại e ngại Djokovic?

Nadal có thể sẽ bị Djokovic chế ngự như những gì đã xảy ra trong năm 2011?

Nadal đã thua Djokovic trong cả ba trận gần nhất họ gặp nhau. Cả ba lần, Nadal không thể giành nổi một set, chỉ tạo ra được bốn điểm break và chỉ bẻ được game của đối phương một lần trong số đó.

Những con số thống kê nói trên lập tức tạo ra sự liên hệ với những gì đã xảy ra trong năm 2011, khi Nadal thua toàn diện trước Djokovic (thất bại trong sáu trận chung kết liên tiếp).

Nhưng Djokovic ở thời điểm hiện tại lại đang ở trong một hoàn cảnh tương đối khác. Nếu như năm 2011 là một Djokovic siêu việt trên mọi phương diện, từ thể lực, chuyên môn cho tới tâm lý, thì Djokovic của cuối năm 2013 và đầu năm 2014 suy yếu đáng kể và không còn tự tin vào bản thân như trước. Djokovic thua Federer ở Doha, thắng lại ở chung kết Indian Wells trong trận đấu anh chơi không hay bằng đối thủ, và tiến vào chung kết Miami không dễ như con số thống kê rằng anh không thua một game nào (có hai trận đối thủ bỏ cuộc, hai set thắng tỉ số 7-5 và hai lần bị bẻ game).

Chỉ có Nadal lặp lại một chu kỳ khá tương tự, không thể duy trì được phong độ sau khi trải qua một mùa giải cực kỳ thành công - điều đồng nghĩa với việc anh phải gắng sức và bị vắt sức tối đa: Năm 2010, Nadal giành ba Grand Slam, còn năm 2013, Nadal vô địch hai trong số ba Grand Slam anh tham dự, vào chung kết rồi vô địch hầu hết các giải đấu anh góp mặt. Thậm chí, nếu năm 2011 Nadal chấn thương và thua trong trận tứ kết trước David Ferrer, thì năm nay, chấn thương cũng đã khiến Nadal không thể chơi tốt trong trận chung kết trước Wawrinka cùng tại Australian Open.

Nhưng Nadal thua Djokovic không chỉ ở biểu đồ phong độ, mà bằng chứng là việc Djokovic đang khủng hoảng như nói ở trên. Sự suy yếu của Nadal trong năm nay chưa tới mức biến anh thành một tay vợt tầm thường. Tại Miami, Nadal thắng ba trận đầu trước Hewitt, Istomin và Fognini mà chỉ mất chín game. Vòng tứ kết, Nadal chứng tỏ sự bền bỉ và vẫn cho thấy anh biết cách giải quyết các trận đấu khó khi thắng Raonic dù để thua trong set đầu dù cho Nadal gặp vấn đề ở khâu giao bóng.

Ông Toni Nadal đã đúc kết việc Nadal lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội lần đầu tiên vô địch Miami cũng bằng nhận xét tương tự: "Nadal đã chơi không tồi cho tới khi gặp Djokovic, còn Djokovic lại đạt phong độ xuất sắc nhất".

Đã tới lúc Nadal lại e ngại Djokovic? - 1

Nadal không thể khắc chế tay vợt người Serbia giống như anh đã và đang làm trước Federer

Dù có 99% phong độ, Nadal vẫn khó thắng Djokovic

Nadal vẫn thắng nhiều hơn thua bốn trận trong tổng số 40 lần anh gặp Djokovic. Nhưng điều này không thể phủ nhận thực tế rằng Nadal không thể khắc chế tay vợt người Serbia giống như anh đã và đang làm trước Federer suốt mười năm qua.

Ông Toni Nadal thừa nhận trong cuộc phỏng vấn mới đây trên đài phát thanh Panet Radio, rằng Nadal đấu với Djokovic khó khăn hơn nhiều khi đấu với Federer bất chấp một thực tế rằng Federer xuất sắc hơn Djokovic 

Khi Nadal vẫn lọt vào tới sáu trận chung kết trong năm 2011 (thêm trận chung kết Australian Open 2012 là bảy) mà vẫn thua Djokovic, rồi cả ba trận chung kết gần đây nữa (Bắc Kinh Open, ATP World Tour Finals và Miami Masters) đều cho thấy Nadal chỉ chơi tốt là chưa đủ, mà cần phải xuất sắc mới đánh bại được Djokovic.

Djokovic khắc chế Nadal nhờ khả năng ôm sân, mở vợt sớm, đè bóng cao và chuyển hóa rất nhanh từ phòng ngự sang tấn công, cũng như trả giao bóng xuất sắc hơn và có cú trái tay mẫu mực.

Giờ Nadal lại gặp thêm vấn đề về giao bóng. Nó, cùng với cú trả giao bóng là hai đường bóng đầu tiên quyết định tới tình thế trong mỗi loạt đánh và sau đó là cả trận đấu (giữa họ hay bất cứ trận đấu nào khác).

Trước kia, giao bóng không phải là hạn chế của Nadal. Nhiều thời điểm, Nadal có thể biến hóa cú giao bóng của mình để làm bối rối Djokovic. Chung kết Monte Carlo 2012 là một ví dụ, khi Nadal sử dụng cú giao bóng thẳng vào người của Djokovic để chiếm thế thượng phong (thắng 6-3, 6-1), rồi chung kết US Open 2010, Nadal giao bóng cực kỳ hiệu quả trong giai đoạn đầu tiên anh sử dụng dây vợt RPM của Babolat. Còn giờ đây, chấn thương lưng đã tác động mạnh mẽ theo hướng tiêu cực tới hiệu suất của cú giao bóng, đặc biệt là giao bóng hai của Nadal - một yếu tố quan trọng khi họ gặp nhau.

Trong mười hai trận thua trước Djokovic kể từ năm 2011 tới nay, có mười một trận đấu hiệu suất ăn điểm bóng hai của Nadal đều ở dưới mức 50%.  

Đã tới lúc Nadal lại e ngại Djokovic? - 2

Mùa đất nện sắp tới hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn giữa hai tay vợt

Chỉ 99% phong độ, đất nện vẫn thách đố Djokovic

Djokovic đã tạm thời thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin của anh nhờ tìm về sự cân bằng quen thuộc trong ê kíp huấn luyện với HLV Marian Vajda thay vì đặt cược hoàn toàn vào HLV Boris Becker. Việc Becker phải ở lại Đức sau ca phẫu thuật gần đây hóa ra lại là cơ hội để Marian Vajda tiếp tục dẫn dắt Djokovic tại Miami. 

Nhưng câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu chuỗi ba trận thắng này có phải là sự mở đầu cho một cuộc áp đảo của Djokovic trước Nadal để tay vợt người Serbia ít nhất sẽ lại làm được như trong năm 2011 là gần như đã truất được ngôi Vua đất nện trong năm 2011, hoặc hơn nữa là hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam bằng việc lần đầu tiên lên ngôi ở Roland Garros?

Chúng ta chưa quên rằng Nadal có thể đã gặp may ở Roland Garros 2011 khi không chạm Djokovic ở chung kết, nhưng thực tế không thể chối bỏ được là Djokovic ở thời điểm đó cũng chưa đủ xuất sắc tới mức chiến thắng tất cả, để phải nhận thất bại cay đắng trước Federer ở bán kết, và nếu Djokovic có gặp Nadal ở chung kết năm đó thì kết cục ra sao cuối cũng vẫn chỉ là nếu.  

Cũng cần phải thấy thêm rằng đánh bại một Nadal lành lặn tại Roland Garros là điều không hề dễ dàng dù cho tay vợt người Tây Ban Nha có thể bị đánh bại trên mặt sân đất nện đâu đó.

Hãy hỏi Federer sẽ biết là huyền thoại người Thụy Sĩ đã từng hạ gục Nadal, chấm dứt chuỗi 81 trận thắng liên tiếp ở Hamburg Masters 2007, nhưng khi họ gặp lại nhau ở chung kết Roland Garros ít ngày sau đó, Federer cũng chỉ thắng được một set, để rồi phải tới hai năm sau, khi Nadal thất bại đau đớn cả về tinh thần lẫn thể chất (chấn thương đầu gối) tại vòng bốn trước Soderling, Federer mới nếm mùi vinh quang ở đó.  

Có thể Djokovic không cần phải chiến thắng tất cả các giải Masters 1000 trên sân đất nện tới đây như anh đã từng làm trong năm 2011 để tạo đà cho một cuộc lật đổ thực sự trước Nadal ở Paris vào tháng Sáu. Năm 2013, Djokovic đã thua từ Dimitrov cho tới Berdych ở Madrid và Rome, rồi khi vào tới Roland Garros vẫn buộc Nadal phải chơi trận bán kết vất vả nhất từ trước tới nay (set năm có tỉ số 9-7).

Nhưng chắc chắn rằng, cũng giống như việc Nadal cần phải chơi với 100% khả năng để chinh phục các Grand Slam trên mặt sân cứng (và sân cỏ), Djokovic cần phải chơi với tất cả sức mạnh của mình để đạt được thành công vĩ đại trên mặt sân đất nện.

Vô địch Roland Garros mới là tất cả với Nadal, người đi tìm danh hiệu thứ chín ở đây (và cả một giấc mơ lớn hơn là sánh ngang thành tích 14 Grand Slam của Sampras), cũng như với Djokovic, người hiện tại không còn là đương kim vô địch của bất cứ Grand Slam nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN