“Bơm” 120.000 tỷ đồng liệu có cứu được BĐS?

Hiện có 07 ngân hàng thương mại đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để cung ứng khoảng 70.000 tỷ cho thị trường BĐS. Cộng với gói 50.000 tỷ đồng mà VNCB làm đầu mối thì sẽ có khoảng 120.000 tỷ đồng rót vào thị trường.

Liên kết 4 nhà “phá băng” BĐS

Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị "Tổ chức phát triển ngành xây dựng chuyên nghiệp", do Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) phối hợp với tập đoàn Thiên Thanh tổ chức chiều ngày 25/3.

Thời gian qua khi thị trường BĐS khó khăn đã khiến các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) đều rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Điều này tạo nên việc mất niềm tin trên thị trường BĐS. Nhà thầu không biết đến bao giờ mới nhận được tiền thanh toán từ chủ đầu tư dự án. Doanh nghiệp cung ứng VLXD đã cung ứng hàng hóa cho công trình mà chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền. Còn khách hàng mua nhà đang băn khoăn khi trả tiền rồi nhưng không biết bao giờ mới nhận được nhà.

Để xảy ra cơ sự  này cũng bởi trước đây có nhiều dự án các ngân hàng cho vay vượt quá rất nhiều lần so với tổng mức đầu tư. Hay tình trạng các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng VLXD mỗi bên đều vay vốn ở những ngân hàng khác nhau. Mối quan hệ  giữa người mua và người bán diễn ra manh mún, tự phát và để lại rủi ro trong chất lượng sản phẩm, rủi ro trong thanh toán…

Khi có rủi ro xảy ra thì tất cả đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên hệ thống ngân hàng sẽ gánh nợ xấu từ cả 3 phía và tín dụng “đóng băng”.

“Bơm” 120.000 tỷ đồng liệu có cứu được BĐS? - 1

 Doanh nghiệp ngành VLXD đang chờ "hồi sinh".

Ông Phan Thành Mai – Tổng giám đốc VNCB - cho biết, VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh đã tạo dựng một mô hình liên kết 4 nhà: ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - đơn vị sản xuất VLXD để khơi thông thị trường BĐS.

Theo phương thức này, tất cả các thành phần trong chuỗi đều ký kết trên một bản hợp đồng. Do đó, kiểm soát được tổng mức vốn có thể vay tối đa và cũng chỉ bằng tổng mức đầu tư của dự án đó. Điều này giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng của các ngân hàng.

Vai trò của Tập đoàn Thiên Thanh trong chuỗi này sẽ trò là nhà tổ chức, kết nối giữa các nhà với nhau và dưới sự giám sát của ngân hàng, làm đầu mối điều phối tất cả những lợi ích, mâu thuẫn giữa các bên trong chuỗi.

Danh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện

Hiện trên cả nước có rất nhiều dự án dở dang cần phải rót thêm vào 100 - 200 tỷ đồng để hoàn thành. Nhưng khi không kiểm soát được dòng tiền, các ngân hàng không dám đầu tư tiếp. Vì nếu cứ rót vốn tiếp, chủ đầu tư lại dùng sai mục đích, đem tiền trang trải cho những khoản nợ nần khác.

Hiện BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, MB, OceanBank đã đồng ý tham gia chuỗi kết nối này. VNCB đang tiếp tục đàm phán với LienVietPostBank, MaritimeBank, VPBank.

Với chuỗi liên kết như thế này ngân hàng có thể yên tâm hơn khi rót vốn để giúp DN khôi phục hoạt động. Bời cách này giúp giảm thiểu việc rót vốn trùng lắp, và tiết kiệm nguồn vốn vay với các dự án. Nâng cao tính hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản và hạn chế được tham nhũng trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng, ngân hàng Nhà nước cho biết,  vai trò của NHNN trong chuỗi liên kết này là nhà quản lý dòng tiền của dự án, đảm bảo dòng tiền cho vay đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích, trong đó quan trọng là trả cho nhà cung cấp VLXD.

Hiện có 07 ngân hàng thương mại đã đăng ký với ngân hàng Nhà nước để cung ứng khoảng 70.000 tỷ đồng cho thị trường BĐS. Cộng với gói 50.000 tỷ đồng mà VNCB làm đầu mối, sẽ có khoảng 120.000 tỷ đồng rót vào thị trường này.

Ông Mạnh cho biết, đây là khối lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại cho vay bình thường. Đây không phải là gói hỗ trợ vì nó không phải tiền từ ngân sách hay tái cấp vốn.

Phương thức cho vay là, nếu một dự án xây dựng đang dở dang muốn được giải ngân tiếp thì tất cả những khoản nợ nần trước đó được giữ nguyên. Ngân hàng  bơm tiền vào để xây đúng dự án đó, hoàn thiện và bán sản phẩm cho khách hàng.

Với những dự án mới, chủ đầu tư phải chứng minh hiệu quả, và tài chính của chủ đầu tư phải tốt… Ngân hàng  thương mại sẽ thẩm định theo quy trình và vẫn phải đáp ứng các điều kiện tín dụng mới được vay. Mức lãi suất cho vay theo lãi suất thị trường.

Ông Phan Thành Mai cho rằng, "gói" 50.000 tỷ đồng không hy vọng tái cơ cấu thị trường VLXD, nhưng đây là một bước cải thiện đáng kể các mối quan hệ của các chủ thể tham gia chuỗi xây dựng, và ưu điểm là tạo ra được dòng tín dụng mới an toàn và có thể kiểm soát được nó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN