Nguy cơ Ebola vào Việt Nam tăng dần

Theo các chuyên gia y tế tại TP.HCM, quy trình xét nghiệm Ebola là hết sức quan trọng nếu có ca bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, tất cả đang phải chờ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sáng 22/8, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, số ca mắc và tử vong tại vùng dịch từ tháng 5 đến nay liên tục tăng nhanh từng ngày. Trong tháng 8 đã gấp đôi tháng 7. Như thế, nguy cơ Ebola vào Việt Nam cũng tăng dần.

Tại TP.HCM, mỗi ngày có 3 chuyến bay về từ Trung Đông và 70-80 chuyến từ các nước khác. Công tác giám sát đối với hàng chục chuyến bay này ít nhiều gặp khó khăn. Như trường hợp người Việt Nam từ Liberia về bị sốt, trước đó người này đã quá cảnh tại 3 quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, vấn đề khác biệt ngôn ngữ, khách thay đổi chỗ ở, số điện thoại... làm liên lạc bị hạn chế. Cần sự hỗ trợ lớn từ Bộ Công an, nhất là kiểm soát khách trú tại các khách sạn.

Hiện danh sách hành khách về từ vùng dịch đã được gửi đến các địa phương để triển khai giám sát. Những trường hợp không lưu trú tại TP.HCM, viện đã báo cáo Cục Y tế dự phòng để phối hợp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - cảnh báo, trong tình huống có ca ở cộng đồng, nhu cầu chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện sớm sẽ khá quan trọng. Hiện vấn đề xét nghiệm Ebola không khó, nhưng WHO chưa thông qua hướng dẫn bất hoạt virus nhằm bảo đảm an toàn sinh học cho người làm ở phòng xét nghiệm nên chưa thể triển khai.

Viện Pasteur cũng cho biết đã ra được quy trình xét nghiệm virus Ebola và cũng đang chờ WHO thẩm định quy trình này.

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện đã có 2 hướng dẫn xét nghiệm và sẽ chia sẻ trong thời gian sớm nhất hướng dẫn xét nghiệm chính thức của WHO, cũng như những khuyến cáo mới nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu ngay sau khi WHO có hướng dẫn bất hoạt virus, Bộ sẽ thành lập hội đồng để thống nhất quy trình, kiểm tra các phòng xét nghiệm và công bố quy trình xét nghiệm chuẩn.

Cả nước có 83 người về từ vùng dịch

Sáng 22/8, tại buổi họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch với các tỉnh thành về công tác giám sát bệnh Ebola, Cục Y tế dự phòng cho biết, từ ngày 11/8 đến nay, cả nước có 83 người đến từ vùng dịch nhập cảnh.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định khả năng Ebola xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Ngăn chặn bệnh vào Việt Nam là nhiệm vụ khẩn thiết. Trong trường hợp cấp bách, được áp dụng biện pháp cách ly cưỡng chế đối với các ca nghi ngờ.

Người nước ngoài cũng được Nhà nước chi trả

Như báo chí đã đề cập, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định Ebola thuộc nhóm A, Nhà nước sẽ chi trả viện phí. Nhưng với trường hợp người nước ngoài, các bệnh viện gặp lúng túng. Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 2 người Nigeria bị sốt đưa về cách ly thì phát sinh ngay những chi phí khá lạ. Họ đòi cung cấp ngay 2 SIM điện thoại để liên lạc về gia đình…

Về vấn đề này, Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế cho biết Nhà nước sẽ chi trả cho tất cả những ca mắc, nghi ngờ bệnh Ebola trên lãnh thổ Việt Nam. Mục đích chính là làm sao để phòng chống dịch tốt nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Anh ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN