Đề xuất đưa Amiăng vào danh mục chất độc hại

Sự kiện: Ung thư

Sắp tới, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất đưa Amiăng (chất gây ung thư) vào danh mục hóa chất độc hại, cấm sử dụng Amiăng để sản xuất tấm lợp tại Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học “Amiăng với sức khỏe” do Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng nay (17/7), đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có tới 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người năm phải sống với khuyết tật vì các bệnh có liên quan đến Amiăng như: ung thư phổi, bụi phổi..

Amiăng là chất gây ung thư, ước tính gây ra nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô cao ở nhóm người tiếp xúc với Amiăng trên 30 năm. Tác hại tiềm tàng không chỉ trên sức khỏe của người lao động mà còn có tác hại đối với cả những người sinh sống tiếp xúc với Amiăng.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 150.000 trường hợp ung thư mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Chính vì gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến Amiăng, mà cả WHO và ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng Amiăng là cách  hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh.

Đề xuất đưa Amiăng vào danh mục chất độc hại - 1

Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất đưa Amiăng vào danh mục chất độc hại.

Tại hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, một số quốc gia phát triển, Amiăng trắng chỉ sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân.  Tuy nhiên, ở Việt Nam Amiăng trắng chủ yếu dụng để sản xuất tấm lợp, thậm chí tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp Amiăng để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô hình chung người dân đã sử dụng phải nước có nhiễm Amiăng.

Theo ông Tùng, tiếp xúc với Amiăng lâu dài có thể gây xơ hóa phổi; canxi hóa màng phổi; ung thư phổi, màng phổi, đặc biệt là ung thư trung biểu mô ngoài ra còn gây ung thư thực quản, buồng trứng. Nồng độ tiếp xúc càng cao, thời gian càng dài thì tỷ lệ bệnh càng lớn.

“Vì sức khoẻ và quyền lợi của người dân, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị cần phải sử dụng các vật liệu khác thay thế Amiăng”, ông Tùng nói.

Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với Amiăng thường kéo dài 20-30 năm, người lao động thường phát bệnh khi đã nghỉ hưu và các hạn chế trong việc lưu giữ hồ sơ, thông tin, thống kê báo cáo nên việc nghiên cứu một cách đầy đủ về tác hại của amiăng ở nhiều nước đang phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì gánh nặng bệnh tật do các bệnh liên quan đến Amiăng nên tổ chức WHO và tổ chức lao động quốc tế ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng Amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến Amiăng.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn là trong 1 trong 10 nước sử dụng Ami ăng nhiều nhất thế giới, chủ yếu là Amiăng trắng, hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài, khoảng 60.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 90% Amiăng trắng dùng đề sản xuất tấm lợp, ngoài ra còn có thể sử dụng cho các mục đích khác như cách nhiệt cho các thiết bị có nhiệt (nồi hơi),  ứng dụng vào các vật liệu xây dựng như ống dẫn nước…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN