Bao giờ Hà Nội chấm dứt dịch sởi?

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, hiện diễn biết thời tiết đang “rất bất lợi”, và phải trong vòng một, hai tháng tới mới có thể chấm dứt được dịch sởi.

Trước diễn biến nóng của dịch sởi, tại buổi thông tin báo chí chiều 22/4, 9 phóng viên đến từ các báo với khoảng 20 câu hỏi đặt ra cho ban giám đốc Sở Y tế Hà Nội về những vấn đề liên quan đến dịch bệnh này.

Vấn đề được báo chí truyền thông quan tâm xoay quanh việc, liệu có sự che giấu trong việc cung cấp số liệu số trẻ em tử vong do bệnh sởi gây ra? Vì sao với nhiều giải pháp triển khai mà số trẻ em mắc sởi lại lên đến con số hơn 1 nghìn như vậy? Vì sao Hà Nội không công bố dịch sởi? Các trung tâm y tế tuyến cơ sở có thực sự đảm bảo? Hà Nội bao giờ chấm dứt được dịch sởi?....

Giải đáp những câu hỏi của báo chí, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh khẳng định không hề có chuyện giấu giếm số lượng trẻ em chết do bệnh sởi. Như Bộ Y tế đã báo cáo lên Chính phủ, số lượng tử vong chung từ bệnh sởi gồm 25 trường hợp trực tiếp trong tổng số 118 ca tử vong.

Bao giờ Hà Nội chấm dứt dịch sởi? - 1

Sở Y tế Hà Nội khẳng định đến tháng 5 hoặc tháng 6 mới chấm dứt dịch sởi (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Trong đó, số tử vong người Hà Nội chiếm khoảng 50%, tập trung ở Viện nhi Trung ương và BV Bạch Mai. Ngoài ra trên địa bàn thủ đô chưa có trường hợp nào tử vong trực tiếp do sởi trong số 25 trường hợp kể trên.

Tiếp tục khẳng định “không ai nói Hà Nội không có dịch sởi”, theo ông Hạnh, số bệnh nhân những ngày qua tập trung tại BV Nhi nhiều, dẫn đến lây chéo, suy giảm miễn dịch, rồi nhiễm vi khuẩn ở BV, làm bệnh nặng hơn và làm số tử vong tăng lên.

Việc Hà Nội có công bố dịch sởi hay không, theo Phó giám đốc Sở Y tế, đó chỉ là “thủ tục hành chính”. Tuy nhiên dịch sởi luôn được lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo và được theo dõi chặt từng ngày. Hà Nội cũng bỏ kinh phí 75 tỷ đồng phục vụ phòng chống dịch, mua máy móc, và đảm bảo chế độ cho “anh em” phòng chống dịch.

Sau khi BV Nhi quá tải, ngành y tế Hà Nội đã xây dựng các BV vệ tinh là  BV Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn… Ông Hạnh khuyên, nếu phát hiện có dấu hiệu sởi thì nên đến trạm y tế gần nhất, hay bệnh viện tuyến huyện để xác định mức độ bệnh, từ đó BS sẽ đưa ra tư vấn nên điều trị ở đâu.

“Sởi nhẹ thì bệnh nhân có thể chăm sóc tại nhà. Nặng hơn lên tuyến huyện, và nếu biến chứng nặng thì lên tuyến tỉnh – có khả năng điều trị được tất cả các biến chứng” – ông Hạnh cho hay.

Hiện các tuyến vệ tinh đã được trang bị đầy đủ máy thở, nhưng theo Phó giám đốc Sở, nhiều nơi như ở BV Đống Đa, bệnh nhân chưa phải sử dụng đến máy thở.

Về giải pháp, ông Hạnh khẳng định nếu thực hiện tiêm chủng thì cơ bản sẽ tạo được miễn dịch trong cộng đồng.

Mặc dù vậy ông Hạnh cũng đưa ra cảnh bảo, diễn biến thời tiết như hiện nay “rất bất lợi” cho công tác phòng chống sởi. Nếu như thời điểm này mọi năm nắng bừng lên, vi rút sởi sẽ bị tiêu diệt. Nhưng nếu thời tiết cứ thế này, khả năng lây lan vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, và vẫn phải tiếp tục đề phong.

Đề cập đến thời gian khống chế dịch bệnh, Phó giám đốc Hoàng Đức Hạnh khẳng định: “Hôm qua Bộ trưởng Y tế cũng nói Hà Nội đang khống chế được tình hình. Nhưng để hết dịch sởi chắc phải đến tháng 5, hoặc tháng 6”.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, từ đầu năm đến hết ngày 21/4 Hà Nội đã ghi nhận 1.285 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 358/584 xã, phường của tất cả 30 quận, huyện. Trong đó dịch sởi đạt đỉnh từ 26/3 – 11/4 và đang có xu hướng giảm. Trung bình mỗi xã, phường có từ 2 – 3 bệnh nhân mắc sởi. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 14 trường hợp tử vong do sởi và đều phân bố ở 11 quận, huyện. Trong đó có đến 13 trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi, và 1 trẻ mới tiêm 5 ngày.

Quận Hai Bà Trưng là địa phương có số bệnh nhân mắc sởi cao nhất với 153 ca. Đứng thứ 2 là quận Đống Đa và Hoàng Mai đều có 118 ca. Số bệnh nhân mắc sởi chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, và đến trên 90% số trường hợp mắc chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Tuy vậy đến thời điểm này đã có khoảng trên 80% bệnh nhân đã khỏi và ra viện…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành Nam (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN