Thi tốt nghiệp THPT: Không bỏ, nhưng sẽ không thi như hiện nay

Trao đổi với báo giới về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng sẽ không có chuyện bỏ thi tốt nghiệp nhưng nhất định sẽ không thi như hiện nay mà phải đổi mới để kỳ thi ngày càng phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Vinh Hiển nói:

Năm nay thi cử nghiêm túc hơn năm trước nên tỉ lệ tốt nghiệp cũng phản ánh sát chất lượng hơn. Cá nhân tôi thấy rằng kết quả này vẫn chưa sát được với chất lượng thật sự 100%, vẫn có chỗ để có thể làm nghiêm túc hơn. Do vậy, Bộ sẽ phân tích kết quả của kỳ thi năm nay để thực hiện kỳ thi năm sau phản ánh chất lượng ngày càng đúng hơn.

Thi tốt nghiệp THPT: Không bỏ, nhưng sẽ không thi như hiện nay - 1

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ tiến tới một kỳ thi chung dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Ảnh: Như Ý

Tiến tới một kỳ thi chung

Bộ GD&ĐT đánh giá đề thi môn Văn năm nay phát huy tính chủ động, hứng thú và tư duy sáng tạo của thí sinh. Vậy kết quả thi môn Văn của thí sinh có cho thấy được tính chủ động, hứng thú, tư duy sáng tạo đó không, thưa ông? 

Thời điểm này Bộ chưa có số liệu cụ thể nên chưa phân tích được kết quả thi môn Văn của thí sinh. Nhưng sau kỳ thi này Bộ sẽ phân tích, đánh giá, nhận xét toàn bộ về kỳ thi, trong đó có việc đánh giá về đề thi, đánh giá điểm thi và thông qua đó đánh giá là coi thi có nghiêm túc hay không.

Nhìn chung, đề thi được dư luận đánh giá là tốt nhưng tôi tin rằng sang năm sẽ còn tốt hơn năm nay. Có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu đổi mới đúng hướng. Nhưng có đáp ứng được đúng yêu cầu mà chúng ta mong muốn hay chưa thì tôi trả lời là chưa.

Với tỉ lệ đỗ bình quân 99%, liệu đã đến lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay chưa?

Bỏ thì không, nhưng nhất định sẽ không thi như hiện nay mà phải đổi mới để nó ngày càng phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục, ngày càng khách quan hơn; đồng thời ngày càng đơn giản, đỡ tốn kém đến một mức độ nhất định. Sở dĩ tôi nói như thế bởi đã thi là nhất định phải tốn kém, đã thi là phải có áp lực nhưng áp lực để cố gắng chứ không phải áp lực để quá tải. Nghĩa là Bộ sẽ cố gắng để giảm những áp lực không cần thiết.

Sau đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT thấy đã có thể thực hiện một kỳ thi duy nhất bắt đầu từ năm học sau?

Chúng ta sẽ tiến tới có một kỳ thi chung dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Có một kỳ thi chung chứ không phải chỉ còn một kỳ thi. Nghĩa là các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh, có thể dựa vào nó toàn bộ nhưng cũng có thể chỉ dựa vào từng phần. Các trường có thể có cách thức kiểm tra đánh giá thêm để tuyển sinh thế nào cho phù hợp nhu cầu tuyển sinh, nhu cầu đào tạo của mình. Năm nay, đã có một số trường dùng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh rồi.

Thi tốt nghiệp THPT: Không bỏ, nhưng sẽ không thi như hiện nay - 2

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Nghị quyết 29 có nói rõ là tiến tới kỳ thi đánh giá phải sát, đúng với chất lượng thật và được xã hội thừa nhận. Ở đây quan trọng nhất là được xã hội thừa nhận. Trường ĐH, CĐ có dùng kết quả thi tốt nghiệp để người ta tuyển sinh hay không là một hình thức mà xã hội thừa nhận.

Còn để tiến tới được một kỳ thi như vậy thì tất nhiên phải chống tiêu cực thì mới khách quan, công bằng. Phải chú ý đến rất nhiều việc thì kỳ thi mới đúng như nguyện vọng của chúng ta. 

“Giờ chúng ta ra đề ít yêu cầu học thuộc thì sẽ đỡ được phao thi. Chúng ta cho học sinh được chọn môn thi thì sẽ không chỉ yêu cầu học sinh học để đối phó mà còn phát huy được năng lực sở trường và định hướng nghề nghiệp của các em”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Thứ nhất là đề thi phải phản ánh được yêu cầu là phẩm chất và năng lực người học chứ không phải chỉ có đơn giản là nhìn xem học sinh học được bao nhiêu, được kiến thức gì như hiện nay. Thứ hai là đề thi đó phải có tác dụng phân hóa tốt, người giỏi phải được điểm cao, người yếu phải được điểm thấp. Hiện nay đề thi đã bắt đầu đáp ứng được điều đó nhưng chúng ta sẽ cố gắng làm cho nó tốt hơn.

Làm thế nào để kỳ thi phản ánh khách quan thì phải tính tiếp những việc như đơn vị nào đứng ra tổ chức thi? Ai làm nhiệm vụ coi thi? Ai làm nhiệm vụ chấm thi? Ai làm nhiệm vụ ra đề?… Nói chung rất nhiều công việc phải lo, phải chuẩn bị. Chúng ta sẽ học kinh nghiệm của quốc tế, sẽ phát huy kinh nghiệm của chúng ta. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng các phương án, xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành, sẽ mời chuyên gia quốc tế để họ hướng dẫn, sau đó trình Chính phủ phê duyệt, nếu đạt yêu cầu sẽ triển khai.

Hạn chế tiêu cực

Thứ trưởng nói vấn đề chống tiêu cực sẽ là mục tiêu mà Bộ cần tập trung giải quyết để hướng tới thực hiện một kỳ thi chung. Vậy hiện tại Bộ đã manh nha những ý tưởng mới nào chống tiêu cực chưa và chúng có gì khác biệt so với những giải pháp chống tiêu cực mà Bộ thực hiện từ năm 2007 đến nay?

Từ 2007 chúng ta đã có cố gắng chống tiêu cực trong thi cử và đã đạt được những tiến bộ. Trước năm 2007, có hiện tượng trèo tường ném bài vào phòng thi, đến nay thì không còn nữa. Những kỳ thi trước chúng ta còn thấy hiện tượng tập thể dung túng để có sai phạm trong kỳ thi, năm nay không có chuyện ấy.

Cũng không có chuyện cả hội đồng tham gia tiêu cực. Tiêu cực năm nay xảy ra không nghiêm trọng như năm trước, không phải do cả hội đồng thi mà chỉ là những cá nhân vi phạm và quan điểm của Bộ chỉ đạo là phải xử lí thật nghiêm.

Tôi cho rằng vẫn phải tìm một số giải pháp để tiếp tục làm nghiêm hơn. Từ trước đến nay Bộ luôn tăng cường ý thức trách nhiệm của người làm thi, giáo dục ý thức trách nhiệm cho cả giám thị, cho cả thí sinh... rồi tuyên truyền, vận động toàn xã hội hỗ trợ cho kỳ thi này ngày càng nghiêm túc hơn. 

Giờ chúng ta ra đề ít yêu cầu học thuộc thì sẽ đỡ được phao thi. Chúng ta cho học sinh được chọn môn thi thì sẽ không chỉ yêu cầu học sinh học để đối phó mà còn phát huy được năng lực sở trường và định hướng nghề nghiệp của các em.

Nêu kết quả kỳ thi tốt nghiệp được sử dụng cho mục tiêu sát sườn hơn với các em là để tuyển sinh thì nó cũng sẽ đỡ tiêu cực hơn… Nói chung chúng ta có nhiều việc để kỳ thi ngày càng phản ánh đúng chất lượng và giảm tiêu cực.

Thứ trưởng có nhấn mạnh về việc kêu gọi ý thức trách nhiệm của những người làm thi. Tuy nhiên, việc kêu gọi này sẽ khó đạt hiệu quả cao với một kỳ thi quốc gia có quy mô lớn với hơn 900.000 thí sinh, với hàng ngàn phòng thi ở 64 đơn vị thi trên toàn quốc. Với một kỳ thi quy mô như thế thì rất cần có một cơ chế kiểm soát cũng như công cụ kiểm soát nào để mỗi phòng thi không còn là những cái ốc đảo mà chỉ có hai giám thị hoặc cùng lắm là thêm giám thị hành lang nữa biết những diễn biến bên trong?

Tôi không chỉ nói về một giải pháp giáo dục ý thức người làm thi mà tôi nói đến nhiều giải pháp khác nhau. Và nếu phóng viên có cái giải pháp nào hay thì cứ chia sẻ để chúng tôi xin được tiếp thu.

Năm ngoái từng có ý kiến đề xuất lắp camera cho mỗi phòng thi. Có luồng thông tin cho rằng một số doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ ngành GD&ĐT trong việc kiểm soát kỳ thi tốt nghiệp THPT thông qua hệ thống camera, miễn là có một cơ chế hành lang pháp lý để thực hiện?

Nói thật là việc lắp camera theo dõi phòng thi đã được chúng tôi cân nhắc. Đến sát nút kỳ thi năm nay mới quyết định là chưa làm được việc đấy. Còn hiện giờ có lẽ mình không nên bàn luận sâu về vấn đề này. Lúc nào đó phù hợp chúng tôi sẽ trao đổi thêm.

Cảm ơn Thứ trưởng.

Để nhận ngay ĐIỂM THI Tốt nghiệp 2014, soạn tin:

DIEM Mãtỉnh Sốbáodanh gửi 8702

VD: Thí sinh tại Hà Nội, có SốBD là 102886. Soạn tin:

DIEM 1A 102886 gửi 8702

Xem chi tiết bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN