SGK điện tử: Xuất hiện máy tính bảng giá 900 nghìn đồng

Một thiết bị máy tính bảng được cho là có liên quan tới đề án 4.000 tỷ của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM có giá 900 nghìn đồng đang làm xôn xao dư luận vài ngày gần đây.

Trong khi đề án đổi mới sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM chưa được thông qua thì mới đây, dư luận lại xôn xao khi có thông tin xuất hiện một chiếc máy tính bảng với giá 900 nghìn đồng do một đơn vị đối tác của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cung cấp.

Cụ thể, trên facebook cá nhân của mình, nickname Thienhai… chia sẻ: “Một tháng trước có một lô hàng máy tính bảng được nhập từ Đài Loan về Hải Phòng. Thật bất ngờ và tình cờ khi tôi quen biết với người Đài Loan đó và lấy được một mẫu về thử. Thực sự tôi không biết nó dành riêng cho giáo dục, chỉ thấy giá nhập cho 3000 thiết bị rất hấp dẫn, chỉ 900 nghìn đồng. Suy nghĩ ban đầu của tôi là ‘Thật tốt khi cháu tôi nó có một cái như này để học! Tôi thấy thật bổ ích’. Nhưng đó chỉ là cảm nhận ban đầu, sau khi nhận thấy phần cứng của thiết bị này thật không phù hợp với trẻ nhỏ, vì toàn bộ đều bằng nhựa, không kiên cố chắc chắn (tất nhiên với giá thành như vậy thì không thể làm tốt hơn đươc nữa!). Với mức hoạt động của trẻ nhỏ thì chỉ một vài tháng là iPad còn dễ hư chứ chưa nói đến thiết bị như thế này. Thật là lãng phí”.

Ngay sau khi được đăng tải, Status này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Trong số đó, không ít ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ những chiếc máy tính bảng này liệu có quan hệ gì đến đề án 4.000 tỷ đồng mà Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đang xây dựng, bởi AIC (Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế) vốn là một đối tác của Sở trong đề án này.

SGK điện tử: Xuất hiện máy tính bảng giá 900 nghìn đồng - 1

Chiếc máy tính bảng 900 nghìn VNĐ được sử dụng giao diện tiếng Việt

Theo những thông tin được chia sẻ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với H, chủ nhân của facebook Thienhai… , vốn là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh đồ công nghệ và được cho biết, ngày 30/7/2014, anh được khách hàng từ Đài Loan liên hệ và gửi qua email mẫu máy tính bảng rất nhỏ gọn. Đến ngày 1/8, một chiếc máy mẫu đã được gửi về dùng thử. “Thực sự lúc đó, mình không biết nó là loại máy tính dành riêng cho giáo dục. Chỉ thấy giá nhập về rất rẻ, chỉ khoảng 900 nghìn VND.  Mình kinh doanh các mặt hàng máy tính bảng, nên thấy đây quả thật là một món lời lớn”. Test thử, anh H phát hiện chiếc máy chạy hoàn toàn bằng giao diện tiếng Việt, đặc biệt còn cài sẵn một số giáo trình và sách giáo khoa Việt Nam cùng với nhiều trò chơi khác nữa.

Theo quan sát của phóng viên, máy tính bảng này có màn hình 7 inch, chạy hệ điều hành Android 4.2.2 với giao diện tiếng Việt, được cài sẵn hệ thống phần mềm Kids, trong đó có nhiều tài liệu ghi ‘người và tôi’, ‘lòng tôn kính’, ‘lòng trung thực’, ‘lòng dũng cảm’… là những chương trình dành cho thiếu nhi. Đi sâu hơn, máy tính bảng còn có chương trình giáo dục cho THPT, THCS, sách giáo khoa danh cho lớp 10, lớp 12… và có một số bài giảng rất chi tiết về chương trình vật lý, hóa học. Máy có vỏ màu trắng, phía sau ghi tên công ty AIC Group Smart Educatinon và xuất xứ “made in Taiwan”.  

SGK điện tử: Xuất hiện máy tính bảng giá 900 nghìn đồng - 2

Một số giáo trình và chương trình sách giáo khoa được cái sẵn

Theo đánh giá của anh H, chất lượng của chiếc máy tính bảng này rất thấp, chạy được vài chương trình là bị treo máy. Chiếc máy được thiết kế bằng vỏ nhựa, dung lượng pin 1.500A nên thời gian sử dụng khá ngắn. Chất lượng Pin cũng không tốt, sạc được khoảng 500 lần là chai pin. Ngoài ra, máy tính bảng này còn có độ phân giải kém, không thể dùng bút cảm ứng để viết lên màn hình. “Với giá thành chỉ tầm khoảng 900 nghìn thì không thể đòi hỏi được quá nhiều. Nhưng khi bán ra thị trường, 1 chiếc máy thế này có để đội giá lên từ 2 – 5 triệu đồng. Những người không giỏi về công nghệ thì rất dễ bị qua mặt”.

Trao đổi về việc nếu chiếc máy tính này được sử dụng trong đề án đổi mới sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2, 3 trị giá 4.000 tỷ đồng do Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đưa ra, anh H cho rằng, tuổi thọ của chiếc máy tính này chưa đến 2 năm là phải thay máy mới. Do đó, nếu đem chiếc máy này bán cho người dân thì quả thực là không phù hợp và là một sự lừa dối lớn.

“Giá nhập về chỉ 900 nghìn mà các vị ấy dự định bán tới 3 -5 triệu thì quả thực là xấu hổ. Với một chiếc máy tính có tuổi thọ ngắn như thế này, chỉ sau một năm, khoảng 300.000 thiết bị đã biến thành rác thải công nghiệp. Nếu chuyện này là sự thực, thì vừa là một sự lãng phí tiền của của người dân, vừa là một sự lừa dối không thể nào tha thứ”.

Được biết, sau khi status trên được đăng tải và có nhiều ý kiến bình luận cũng như chia sẻ, trưa nay, anh H đã xóa status trên để tránh bị làm phiền.

Để làm rõ về vấn đề này, chúng tôi đã có liên hệ với một chi nhánh công ty AIC tại TP.HCM và được đại diện công ty cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo và sắp xếp lịch hẹn trả lời sớm nhất có thể.

Như đã thông tin, ngày 18/8, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo với tiêu đề “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3”. Dự án có  hơn 10 nghìn giáo viên, hơn 6 nghìn phòng học và 327.127 học sinh thuộc các lớp 1, 2, 3 tham gia thí điểm. Theo đó, sẽ trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính bảng bằng ngân sách TP, hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc đối tượng chính sách mỗi em một máy tính bảng, 321.793 học sinh còn lại phải tự túc kinh phí mua máy.

Ngay khi thông tin về đề án được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đề án trên đã vấp phải sự phản ứng của rất nhiều người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN