Sách giáo khoa điện tử: Phó thác cho nhà cung cấp

Trong đề án sách giáo khoa điện tử, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM giao phó cho các nhà cung cấp trang thiết bị xây dựng toàn bộ bộ sách. Các chuyên gia cho rằng nếu chỉ đơn thuần là số hóa nội dung bài giảng sẽ rất nguy hiểm và ai chịu trách nhiệm về bộ sách này?

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM phối hợp cùng Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) tổ chức hội thảo thí điểm sách giáo khoa điện tử cho lớp 1, 2, 3 tại TP HCM chiều 18-8, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục và giáo viên bày tỏ sự lo ngại về đề án có chi phí trên 4.000 tỉ đồng này.

Phụ huynh gánh trên 1.200 tỉ đồng

Theo đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 mà Sở GD-ĐT TP HCM công bố, có đến 10.389 giáo viên, 6.874 phòng học, 327.127 học sinh tham gia thí điểm. Theo đó, sẽ trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính bảng bằng ngân sách TP, hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc đối tượng chính sách mỗi em một máy tính bảng, 321.793 học sinh còn lại phải tự túc kinh phí mua máy.

Sách giáo khoa điện tử: Phó thác cho nhà cung cấp - 1

Giáo viên đang sử dụng thử demo của máy tính bảng SGK điện tử (Ảnh: MINH TRUNG)

Các nhà cung cấp đã giới thiệu hàng loạt loại máy tính bảng giá từ 3 - 5 triệu đồng để phụ huynh lựa chọn. Theo đề án, có 10.389 giáo viên sẽ tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí phân bổ theo các hạng mục. Trong đó, khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục tiểu học: hơn 1 tỉ đồng; xây dựng chuẩn trường tiểu học theo mô hình mới: 2,2 tỉ đồng; xây dựng sách giáo khoa điện tử và chương trình đào tạo: 1 tỉ đồng; đầu tư hạ tầng, công nghệ thông tin: hơn 730 tỉ đồng; đầu tư trang thiết bị sẽ được tính toán sau khi lựa chọn loại máy tính bảng nào.

Như vậy, nếu lấy trung bình một máy tính bảng có giá 4 triệu đồng thì tổng số tiền tiêu tốn cho khoản này là hơn 1.350 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP phải bỏ ra là hơn 62,9 tỉ đồng và phụ huynh gánh 1.287 tỉ đồng.

Trước đó, trong hội thảo lần 1 về đề án này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về tính công bằng trong trường học nếu trang bị máy tính bảng cho học sinh bằng kinh phí của phụ huynh. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4 cho hay nếu bắt buộc thí điểm thì trường sẽ làm, còn làm trên tinh thần tự nguyện thì không bởi việc thuyết phục phụ huynh mua máy tính bảng cho con không phải chuyện dễ dàng. Đồng tình quan điểm này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 10 khẳng định nếu không rõ ràng về mục đích, tác dụng của đề án thì quyết không triển khai.

Nhiều băn khoăn

Một chuyên gia giáo dục cho biết trong giáo dục, cần phải hạn chế thấp nhất việc thí điểm vì hậu quả của nó không phải chỉ là cái nhìn thấy trước mắt. Trong khi đó, với SGK điện tử, đề án mà sở đưa ra lại giao phó cho các nhà cung cấp trang thiết bị có trách nhiệm xây dựng toàn bộ bộ SGK điện tử theo… mô hình tiên tiến trên thế giới! Ai sẽ thẩm định, đánh giá đề án này? Ai sẽ chịu trách nhiệm về SGK điện tử?

Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn về đối tượng phục vụ và tính khả thi của đề án. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Phát triển Chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho rằng quan trọng nhất của SGK điện tử là việc biên tập nội dung trên máy như thế nào? Nếu chỉ là sao chép từ SGK đang dùng bao lâu nay thì không ổn vì sách phải hướng đến tính ứng dụng, tương tác, tự học cho học sinh thì mới là giáo dục.

Theo ông Dũng, đối tượng hợp lý nhất sử dụng SGK điện tử là bậc THCS, còn lý do sở chọn bậc tiểu học có thể vì nội dung học ở lớp nhỏ đơn giản, dễ biên tập hơn. Quan trọng nhất của một đề án thí điểm sách là nội dung đưa vào như thế nào, học sinh có thể tự kiểm tra, đánh giá năng lực được không? “Ý tưởng sư phạm của giáo viên rất quan trọng. Vì thế, phải tập hợp đội ngũ sư phạm để quyết định đưa nội dung gì vào sách. Giáo viên phải giữ vai trò chủ đạo vì chuẩn bị nội dung, định hướng nội dung mới khó chứ không thể phó thác cho các đơn vị viết phần mềm. Nếu chỉ đơn thuần là số hóa nội dung bài giảng thì rất nguy hiểm bởi sẽ trở thành món nợ cho người học” - TS Dũng nhận định.

Thui chột khả năng sáng tạo?

Ông Trịnh Quang Đồng, thành viên HĐQT Trường Quốc tế Canada, cho rằng trước hết, đề án phải trả lời được câu hỏi SGK điện tử có đáp ứng yêu cầu đổi mới SGK mà Bộ GD-ĐT đang triển khai hay không. Những người thực hiện đang tư duy theo hướng một bộ SGK hay theo hướng một chương trình, nhiều bộ SKG như chủ trương của Bộ GD-ĐT? Ông Đồng cho rằng sau khi nghiên cứu demo SGK điện tử, ông chưa thấy ứng dụng tích hợp, một phương pháp học tiên tiến mà thế giới đã áp dụng trong sách điện tử.

“Đã là SGK điện tử thì phải có hướng mở rất rộng từ tài liệu tham khảo đến phát huy sự sáng tạo của học sinh. Trong khi đó, bản demo của sách mà sở và đơn vị hợp tác giới thiệu thì khả năng tương tác của học sinh chưa nhiều, chỉ thao tác trên bài học có sẵn. Nó như một bộ SGK được scan lên máy. Tôi đã từng đề nghị với một số chuyên gia giáo dục ở nước ngoài về làm SGK điện tử nhưng họ từ chối vì không muốn giáo viên và học sinh lạm dụng công nghệ, mất đi sự sáng tạo” - ông Đồng nói.

Hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP HCM cho biết ngay cả ở những nước tiên tiến, họ cũng không làm riêng một bộ SGK điện tử. “Ở nước ngoài, đối với môn toán, giáo viên sẽ là người quyết định chọn ra một bài học tích hợp từ 3-4 bộ SGK khác nhau; học sinh cũng sẽ chủ động tìm tòi, thiết kế bài học, bài thuyết trình trên máy chứ không phải chỉ thao tác trên một bài học cố định. SGK điện tử không chú trọng đến yếu tố này sẽ thui chột sáng tạo của học sinh và giáo viên trở thành người thợ dạy” - vị hiệu trưởng này lo lắng.

Không dừng lại ở 4.000 tỉ đồng

Theo ông Trịnh Quang Đồng, một đề án lớn trước hết phải xác định mục tiêu như thế nào, có khả năng đạt được không? Nếu chỉ đặt vấn đề giảm áp lực mang vác nặng nề cho học sinh thì bình thường quá. Đề án không chỉ dừng lại ở 4.000 tỉ đồng vì liên quan đến hệ thống máy móc thì ai chịu trách nhiệm bảo hành? Hiện nay, công nghệ đổi mới liên tục, chỉ một thời gian ra máy đời mới, học sinh lại phải bỏ tiền đổi máy hay sao?

Ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT phía Nam - cho rằng nhiều nội dung cần làm rõ bởi đây là một đề án lớn, tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng. “Các nội dung cần làm rõ là tính cần thiết phải thực hiện đề án, tại sao phải áp dụng cho bậc tiểu học mà không áp dụng cho các bậc học khác, đồng thời phải đánh giá được tác động cả chiều thuận lẫn chiều nghịch của đề án” - ông Phúc nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN