Nhiều sinh viên Việt ứng xử kiểu “ao làng”

Tuy được đánh giá là hòa đồng, có kiến thức rộng và sâu nhưng cách hành xử của nhiều sinh viên Việt Nam trên sân chơi quốc tế vẫn còn đậm chất “ao làng”.

Trong các chương trình giao lưu quốc tế khu vực ASEAN, cũng như khu vực châu Á và toàn cầu, sinh viên Việt Nam luôn thể hiện được vai trò có khi là nổi bật của mình. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những hạt sạn, vốn bị ví von là “tư duy, văn hóa ao làng” vẫn tồn tại trong môi trường đa quốc gia như thế.

Gặp “quốc tế” là co rúm

Dù để được tham gia vào một chương trình giao lưu, học tập tại các nước, sinh viên phải vượt qua rất nhiều ứng cử viên nhưng nhiều sinh viên khi ra nước ngoài bỗng trở nên thiếu tự tin. Sinh viên Nguyễn Thanh Nguyệt Minh (ĐH KHXH&NV TP.HCM), người từng tham gia nhiều chương trình quốc tế, kể lại: “Nhiều lần cùng đoàn Việt Nam qua nước ngoài, không ít các bạn Việt Nam chỉ tụm năm tụm bảy nói chuyện cùng nhau, ngại giao tiếp hoặc khi giao tiếp cũng... không biết nói gì”. Trong khi đó Nguyệt Minh cho hay: “Nếu cởi mở nói chuyện, đi ăn, đi chơi cùng nhau thì ta sẽ biết nhiều chuyện hay”.

Sinh viên Võ Minh Toàn (ĐH Bách khoa TP.HCM) kể: “Lần đó đi giao lưu thanh niên ASEAN tại Nhật, tôi vốn rất tự tin nên đảm nhiệm phần thuyết trình. Ai dè khi chuẩn bị bắt đầu chương trình, mình co rúm người lại và dường như không còn biết nói gì nữa”. Ở góc độ khác, sinh viên Bảo Ngọc cho rằng nhiều sinh viên khi ra nước ngoài còn thiếu tự tin là do khả năng ngoại ngữ chưa tốt.

Thế nên bạn Hồ Quang Chánh (ĐH Y dược Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) tiếc nuối: “Lần trước tham gia giao lưu với sinh viên ASEAN, rõ ràng là một số sinh viên khi còn ở Việt Nam rất giỏi, tiếng Anh cũng không thua kém ai, vậy mà để các bạn Singapore lấn át. Thế mới biết giỏi ở nước mình là một chuyện, ra gặp các bạn quốc tế có dám tự tin thể hiện bản lĩnh hay không lại là một chuyện khác”.

Nhiều sinh viên Việt ứng xử kiểu “ao làng” - 1

Cứ tự tin, khiêm tốn và biết chia sẻ thì hình ảnh sinh viên Việt Nam luôn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Ảnh: UYÊN LÊ

Sinh hoạt, ứng xử “tiểu nông”

Tuy nhiều bạn trẻ Việt chỉ vô tình gây ra những ứng xử không hay trong môi trường quốc tế nhưng điều này cho thấy trong một thời gian dài họ đã sống dễ dãi, buông thả kỷ luật bản thân và thiếu hiểu biết về văn hóa ứng xử. Sinh viên Võ Minh Toàn cho hay: “Một lần khi đang giao lưu với thanh niên các nước tại Ấn Độ, có một đại biểu Việt Nam vì quá chén đã gây mất trật tự trong khu vực phòng ngủ, ảnh hưởng đến các đại biểu khác. Hành vi này bị ban tổ chức khiển trách bằng cách nêu tên trước toàn đại biểu khiến cả đoàn Việt Nam xấu hổ vô cùng”. Toàn còn kể thêm, nhiều sinh viên Việt Nam cứ gặp nhau là đùa giỡn, thậm chí là quá khích, gây mất trật tự và không ít lần bị nhắc nhở.

Liên quan đến “sốc văn hóa”, sinh viên Hiền Mi kể: “Đợt tôi đi Indonesia cùng một số bạn Việt Nam cũng xảy ra chuyện. Indonesia là đất nước có đạo Hồi rất phổ biến nên phụ nữ phải luôn ăn mặc kín đáo, lịch sự. Tuy nhiên, trong đoàn Việt Nam có bạn nữ khi ra ngoài đi chơi đã mặc quần short, làm rất nhiều người đi đường tỏ ra không hài lòng, dường như cho rằng “cô gái này” mới rơi từ hành tinh khác đến vậy”.

Đó là chưa kể những pha đi trễ khiến cả đoàn hơn chục quốc gia phải chờ đợi, ăn quá mức khiến trúng thực, bỏ đồ ăn thừa khi dự tiệc chiêu đãi khiến sinh viên Việt Nam dễ bị mất mặt.

 

“Cái tôi” quá lớn khiến làm việc nhóm kém

Một khi bước ra quốc tế, ai cũng ý thức được mình phải trở nên hoạt bát, năng động. Điều đó rất tốt nhưng thỉnh thoảng cũng có trường hợp đi quá trớn. Chẳng hạn, khi thảo luận nhóm hay phần trao đổi sau mỗi bài thuyết trình, một số sinh viên Việt quá hăng say nói ý kiến của mình. Có bạn tranh đặt một lúc 5-10 câu hỏi cho giáo sư hoặc làm việc nhóm thì cướp lời người khác và bị người điều phối thẳng thắn góp ý: “Bạn nên dành cơ hội lên tiếng cho những người khác nữa!”. Hoặc có sinh viên Việt tranh cãi gay gắt với trưởng nhóm văn nghệ là sinh viên nước ngoài chỉ vì bất đồng quan điểm trong cách biên đạo bài múa khiến không khí trong nhóm căng thẳng. Hoặc có bạn quá tự cao, chưa lượng sức và bảo thủ trong suy nghĩ, như trong chuyến giao lưu thanh niên ASEAN-Ấn Độ, nhiều sinh viên Việt Nam không chăm chú nghe mà làm việc riêng, hay có bạn còn ngủ gật khi người khác trình bày trên bục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Uyên Lê (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN