Năm học mới: Hoang mang vì… không chấm điểm, rối bời với thi chung

Không chấm điểm học sinh tiểu học, nhân rộng mô hình trường học mới, gộp 2 kỳ thi lại làm một, ĐH thực hiện tự chủ tuyển sinh theo phương án riêng... đó là hàng loạt những thay đổi tác động mạnh đến học sinh các cấp sẽ được Bộ GDĐT đưa vào thực hiện trong năm học mới 2014 - 2015. Những thay đổi này “hứa hẹn” một năm học… đầy “sóng gió”.

Hoang mang vì… không chấm điểm

Dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện trong năm học mới 2014 – 2015, nhưng thời điểm hiện tại, dự thảo thông tư về việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học vẫn còn trong giai đoạn lấy ý kiến dư luận. Điều này đã khiến nhiều học sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên hoang mang trước thềm năm học mới.

Theo đề án này, cấp tiểu học sẽ xóa bỏ hoàn toàn cách đánh giá cổ điển bằng điểm số. Học sinh sẽ không còn phải “học gạo để lấy điểm 5”, sẽ không còn “phổ cập” học sinh giỏi, không còn khen thưởng theo học lực… Thay bằng điều đó, giáo viên sẽ nhận xét bằng lời- đạt, chưa đạt, không đạt vào sổ nhận xét hoặc bài làm của học sinh, chỉ đánh giá bằng điểm với bài kiểm tra học kỳ và hết năm.

Bà Nguyễn Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: “Mặc dù cách làm này sẽ làm giáo viên vất vả hơn nhưng giảm áp lực cho học sinh nên được hầu hết giáo viên ủng hộ”. Cũng theo bà Thắm, với cách làm này giáo viên sẽ theo sát sườn học sinh hơn, sớm phát hiện để hỗ trợ giúp đỡ những học sinh yếu kém chứ không để đến khi hết năm học mới… học thêm, phụ đạo.

Tuy nhiên, học sinh và phụ huynh lại nghĩ khác. Họ cho rằng cách chấm điểm truyền thống khiến cho sự đánh giá trở nên công bằng, công tâm chứ không dựa vào cảm nhận và cảm tình của giáo viên đối với bất kỳ học sinh nào. Nhiều phụ huynh sợ việc không kiểm soát được sự tiến bộ của con cái nếu như cô giáo “ngại” và chỉ nhận xét chung chung. Cũng có phụ huynh lo lắng việc không chấm điểm sẽ là cơ hội cho học thêm, dạy thêm có cơ hội nảy nở khi phụ huynh sẽ phải “lụy” giáo viên nhiều hơn để con mình nhận được ưu ái.

Trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới, bản thân nhiều giáo viên cũng hoang mang vì chỉ biết phổ biến tinh thần của chủ trương đổi mới mà không thể giải thích cặn kẽ những thắc mắc của phụ huynh vì bản thân họ chưa được tập huấn cách làm.

Mặc dù đã được thí điểm ở lớp 1, nhưng việc đưa vào đại trà với hơn 7 triệu học sinh tiểu học ngay trong năm học mới vẫn là một sự vội vàng đáng lo ngại. PGS - TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: “Bộ nên tiến hành từng bước rồi mở rộng dần như vết dầu loang. Bộ cần đưa ra các tiêu chí, yêu cầu cụ thể để các trường thực hiện. Cách đánh giá này cũng không tránh khỏi tiêu cực, nhưng nếu tiêu cực từ 5 – 7% thì có thể điều chỉnh dần dần”.

Rối bời với kỳ thi chung

Trong khi học sinh tiểu học đang “mù mờ” về cách đánh giá thì học sinh khối THPT lại lo âu về một kỳ thi quốc gia. Kỳ thi này, theo lộ trình sẽ được Bộ GDĐT áp dụng ngay mùa tuyển sinh năm 2015 với rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, 3 phương án của kỳ thi quốc gia vẫn đang được tranh cãi nảy lửa bởi những các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH và các trường THPT.

Lãnh đạo các trường ĐH, CĐ thì chưa thực sự đặt lòng tin vào kết quả của kỳ thi này và quan ngại tiêu cực sẽ diễn ra nếu tổ chức ở địa phương. Nhiều trường còn kiên quyết “chung cứ chung, nhưng riêng vẫn sẽ riêng”, các trường sẽ vẫn tổ chức thi để tuyển chọn được đầu vào chất lượng nhất. Nếu nhiều trường làm theo cách này, kỳ thi quốc gia sẽ thất bại thảm hại.

Năm học mới: Hoang mang vì… không chấm điểm, rối bời với thi chung - 1

Học sinh THPT đang lo âu về một kỳ thi quốc gia (ảnh minh họa)

Trong khi phương án kỳ thi quốc gia chưa ngã ngũ ở trên, thì bên dưới rất nhiều học sinh cấp 3 hoang mang, rủ nhau đi học thêm, bỏ ôn thi học sinh giỏi quốc gia để chuẩn bị tâm thế cho một kỳ thi kết hợp không còn theo khối A, B, C, D… truyền thống.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thanh – giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) cho biết: “Mọi dự đoán đều nghiêng về việc chọn phương án 1, theo phương án này thì học sinh khối xã hội sẽ rất vất vả. Hiện các em học sinh lớp 11 của tôi đã lao đi học thêm toán, Anh, văn vì chắc chắn 3 môn này sẽ là môn thi bắt buộc. Tôi dạy đội tuyển học sinh giỏi sử nhưng giờ sắp xếp lịch học cho các em rất khó vì hôm nào cũng vướng lịch học thêm toán, văn, Anh của các em” – cô Thanh nói.

Còn cô Trần Thanh Xuân – giáo viên Trường THPT chuyên Hưng Yên thì rất bất ngờ với cách làm của Bộ GDĐT: “Năm trước, trước kỳ thi tốt nghiệp chừng 2 – 3 tháng, Bộ đưa ra thi bắt buộc 2 môn toán, văn; môn ngoại ngữ tự chọn do cách dạy Việt Nam chưa chuẩn. Chỉ sau vài tháng, Bộ lại tính đưa ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc, 1 năm chưa thể thay đổi được cách dạy ngoại ngữ”.

Cũng theo cô Xuân, Bộ dường như không tính đến học sinh giỏi quốc gia. Hiện nay, việc thi học sinh giỏi quốc gia đang gặp khó khăn đối với khối xã hội bởi vì một số trường tốt dành cho khối C như cảnh sát, an ninh thì không tuyển thẳng mà chỉ tính điểm cộng cho các em. Nhiều học sinh khối C đã nghỉ không thi học sinh giỏi quốc gia để thi ĐH. “Hiện nhiều học sinh của tôi đã xin không vào đội tuyển dự thi quốc gia khi nghe thông tin của Bộ” – cô Xuân nói.

Ủng hộ kỳ thi chung nhưng lãnh đạo các Sở GDĐT địa phương đều khá lo lắng với trách nhiệm nặng nề trong việc tổ chức sao cho khách quan, trôi chảy. Mặc dù phương án 1 (thi theo môn)  được đánh giá là ít thay đổi nhất và không có đột phá nhưng lãnh đạo Sở đều ủng hộ triển khai phương án này vì sợ giáo viên không đủ thời gian để đổi mới cách dạy, học sinh không đủ thời gian để đổi mới cách học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN