Kỳ thi quốc gia: Đề xuất gộp các môn thi thành một bài trắc nghiệm

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đề xuất phương án dồn tất cả các môn trong một bài thi cho kỳ thi quốc gia 2015. Theo đề án, nếu áp dụng kỳ thì này sẽ đáp ứng được mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa sử dụng làm cơ sở tuyển sinh đại học…

Kỳ thi diễn ra trong một ngày

Kỳ thi quốc gia: Đề xuất gộp các môn thi thành một bài trắc nghiệm - 1

GS-TS. Khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội.

GS-TS. Khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sau gần chục năm nghiên cứu, tham khảo nước ngoài đến nay trường đã hoàn thiện đề án tuyển sinh riêng trình lên Bộ GD-ĐT năm 2014. Phương án của trường hướng tới đánh giá năng lực học sinh.

Bài thi đánh giá năng lực chung: được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với tổng số 140 câu hỏi, thời gian làm bài là 195 phút, được thực hiện trên máy tính. Tổng điểm tối đa là 140 điểm.

Phần bắt buộc bao gồm hai hợp phần, phần 1 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức Toán học và phần 2 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn. Phần tự chọn bao gồm 40 câu và thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: kiến thức khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Từ năm 2014 tới 2016, các ứng viên tham gia dự thi đánh giá năng lực sẽ bắt buộc làm hai hợp phần bắt buộc và một hợp phần tự chọn. Từ năm 2017, các ứng viên sẽ phải làm cả 4 phần của bài thi 180 cầu với thời gian làm bài 215 phút.

Kỳ thi đánh giá năng lực chung sẽ được tiến hành nhiều đợt trong năm (từ 2 đến 4 đợt), tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở các vùng miền tham gia, giảm áp lực cho cả thí sinh và cho xã hội. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị sử dụng trong 2 năm để đăng ký dự tuyển vào học tại trường.

Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt: là bài thi nhằm đánh giá năng lực để lựa chọn các em sau khi đã có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung để vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học nếu các ngành đào tạo xét thấy có nhu cầu.

Ví dụ, thí sinh thi vào khối các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ như Toán học, Cơ học, Công nghệ thông tin... có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là toán học; các em chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học. Các môn thi chuyên biệt này do hội đồng khoa học và đào tạo của các đơn vị xem xét, quyết định cho từng ngành, nhóm ngành, lĩnh vực

Bài thi có thể áp dụng kỳ thi chung quốc gia

GS-TS. Khoa học Nguyễn Đình Đức cho hay, bài thi tổng hợp được thiết kế bao quát chương trình phổ thông hiện nay, chủ yếu lớp 12. Trong điều kiện chương trình đào tạo, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy ở bậc phổ thông chưa có thay đổi thí sinh vẫn có thể làm bài tốt. Thêm nữa, với điểm chuẩn hợp lý, cùng với các chính sách ưu tiên cho học sinh thuộc đối tương ưu tiên, tỷ lệ tốt nghiệp sẽ không có xáo trộn lớn.

Kỳ thi quốc gia: Đề xuất gộp các môn thi thành một bài trắc nghiệm - 2

Thí sinh dự kỳ thi đại học năm 2014

Việc thi và chấm thi được thực hiện trên máy tính trong các phòng thi chuyên dụng. Đề thi cho từng cá nhân sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên về câu hỏi, phương án để các thí sinh không thể “nhìn bài nhau” và cũng không thể sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài. Kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2015, kỳ thi được tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh nào có kết quả bài thi tổng hợp đạt yêu cầu sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp như thông lệ, từ năm 2016 chỉ còn tồn tại một kỳ thi hợp nhất.

“Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và và 20% ở cấp độ khó. Với một thời gian thi dự kiến từ 195 – 215 phút cho 180 câu hỏi trắc nghiệm thì sự hỗ trợ từ bên ngoài cũng sẽ khó, lúc đó cũng không cần camera giám sát trong quá trình thi. Như vậy, kỳ thi sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội là đơn giản, thuận tiện, mà người dân đang hướng đến”, GS Đức chia sẻ.

GS Đức cho biết thêm, trước kỳ thi, thí sinh có thể làm thử bộ đề, luyện thi qua mạng. Như vậy, sẽ hạn chế được việc đi ôn luyện. Đến kỳ thi, thí sinh thi trên máy tính, độ an toàn cao, nhanh chóng. Đối với học sinh thi trượt vẫn có cơ hội thi lại bởi kỳ thi có thể tổ chức nhiều đợt trong tháng 5. Do đó, thí sinh không căng thẳng qúa chuyện đỗ trượt, tâm lý không áp lực.

Theo GS Đức, phương án một bài thi có thể áp dụng cho kỳ thi chung quốc gia. Tuy nhiên, để có thể sử dụng rộng rãi, cần có thêm các điều kiện hỗ trợ về chính sách từ phía Chính Phủ, Bộ GD-ĐT; hệ thống chính sách, các văn bản hướng dẫn liên quan đến kỳ thi này (Quy chế kỳ thi hợp nhất 2015); hỗ trợ trường tiếp tục phát triển bộ ngân hàng câu hỏi nguồn đủ lớn (với khoảng 10.000 câu hỏi cho ngân hàng đề thi) đảm bảo chất lượng để có thể áp dụng cho diện rộng. Các địa phương chuẩn bị hạ tầng phần cứng, cơ sở vật chất (phòng thi). Tập đoàn viễn thông hỗ trợ về hạ tầng đường truyền….

Hiện ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng một phần mềm để tổ hợp đề,  tổ chức thi, chấm thi và chấm thi trên máy tính. Phần mềm này sẽ được áp dụng thử nghiệm cho đợt thi tháng 9/2014 trong nội bộ ĐH Quốc gia Hà Nội. Phần mền tuyển sinh này cho phép thí sinh thi nhiều đợt, độ bảo mật và chính xác cao. Để triển khai thi trực tuyến và cho diện rộng, cần có thêm sự đầu tư về công nghệ thông tin cả về phần cứng và phần mềm.

Với đề án tuyển sinh riêng, năm 2014, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ áp dụng thí điểm bài thi đánh giá năng lực chung để tuyển chọn thí sinh vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến sau kỳ thi ba chung. Bài thi sẽ được thực hiện trên máy tính.

Năm 2015, thí điểm áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao... Bài thi đánh giá năng lực chung sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung. Vì vậy, thí sinh dự tuyển vào các ngành đào tạo này, sau khi dự thi bài thi đánh giá năng lực chung, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để vào các ngành hoặc các đơn vị đào tạo khác.

Năm 2016: Áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo đại học trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức 3 chung của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp bộ triển khai kỳ thi tích hợp, trường có thể sẽ dùng kết quả kỳ thi tích hợp làm điều kiện sơ tuyển vào trường và tập trung hoàn thiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để chọn ứng viên vào các ngành đào tạo cụ thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN