Giáo viên mầm non: Thiếu trầm trọng nhưng không được tuyển

Theo các chuyên gia và các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non là một nghề rất vất vả nhưng lương quá thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng nuôi dạy, trong đó bao gồm cả sự đảm bảo an toàn cho trẻ.

Giáo viên mầm non: Thiếu trầm trọng nhưng không được tuyển - 1

Giờ ra chơi của các bé tại nhà trẻ mẫu giáo Sóc Nhí - Bùi Xương Trạch - Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Đi sớm về trễ nhưng lương thấp

Hôm qua, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

Dù nhiều vấn đề được đề cập nhưng hầu hết các đại biểu đều nhấn mạnh nội dung liên quan các chế độ chính sách dành cho giáo viên và những khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng.

Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này, dù nhiều năm gần đây chế độ - chính sách đối với giáo viên mầm non được quan tâm, đời sống các cô giáo được cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng còn thiếu đồng bộ, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Định mức lao động, giáo viên/lớp của giáo viên mầm non chưa sát thực tế, lực lượng cô nuôi/bảo mẫu thì bị “lọt” ra khỏi chính sách dành cho giáo viên mầm non, thời gian chăm sóc trẻ theo quy định tại chương trình GD mầm non “vênh” với quy định về chế độ làm việc của giáo viên.v.v…

Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục VN cho biết thu nhập hiện nay của giáo viên mầm non quá thấp, đặc biệt là với những người mới vào nghề. Theo ông Thanh, đây là một nghề tương đối vất vả, bắt buộc phải đi sớm về trễ. Do yêu cầu của công việc, mỗi giáo viên phải làm việc từ 10 đến 15 tiếng/ngày. Trong khi đó hiện nay, ngoài TP Hồ Chí Minh, hầu như chưa có địa phương nào vận dụng cơ chế trả tiền làm việc thêm giờ cho giáo viên mầm non.

Đề cập tới những bất công đối với giáo viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng trong hệ thống trường mầm non, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD&ĐT Thái Nguyên bày tỏ:

“Trong giáo dục mầm non có hai khâu quan trọng là nuôi và dạy. Bấy lâu nay chúng ta khá quan tâm tới giáo viên dạy, nhưng cô nuôi thì chưa được như thế. Theo quy định hiện hành, chúng tôi phải hợp đồng theo hình thức thuê khoán nên lương rất thấp, chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Mức lương như thế không đảm bảo đời sống cho các cô.

Với thực trạng chính sách dành cho cô nuôi như thế chúng tôi rất lo lắng. Khâu dạy chưa tốt ngay có thể cố gắng để tháng sau năm sau làm tốt hơn. Nhưng nuôi mà không tốt, để trẻ hóc - sặc thì chúng tôi sẽ bị dân phản ứng ngay. Đây là một nguy cơ luôn rình rập”.

Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển

Ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết một trong những khó khăn mà hiện nay chưa thể tháo gỡ được của Ninh Thuận là định biên giáo viên.

Ông Ninh chia sẻ: “Nguồn giáo viên đủ, nhưng Bộ Nội vụ đóng khung không cho tuyển. Còn nếu chỉ ký hợp đồng thì kinh phí của tỉnh không có, nên rất vướng. Khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về làm việc với tỉnh chúng tôi cũng kiến nghị về vấn đề này, Bộ trưởng đã ghi nhận. Nhưng hiện giờ vẫn chẳng được cho cơ chế nào để tháo gỡ. Một trường mầm non mà nhân viên văn thư, bảo vệ, y tế… không có. Học 2 buổi/ngày mà nhân viên nấu ăn cho các cháu cũng không có, giáo viên vừa dạy vừa nấu ăn cho các cháu, mồ hôi nhễ nhại!”.

Theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD, Bộ GD&ĐT, thiếu giáo viên mầm non hiện là vấn đề nóng hổi của hầu hết các tỉnh/thành. Theo kế hoạch năm 2015 phổ cập mầm non 5 tuổi thì cả nước cần thêm 35.952 giáo viên mầm non. Hiện mới tuyển thêm được 13.612. Như vậy, hiện cả nước còn thiếu 20.636 giáo viên mầm non. Việc tuyển mới giáo viên mầm non đặc biệt nan giải ở các vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

“Ở điểm trường tại các bản thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên biết tiếng dân tộc. Trong khi đó giáo sinh được cử đi học sư phạm mầm non theo diện cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ thì học xong không có việc làm. Các tỉnh không tuyển dụng họ được vì vướng phải những yêu cầu trong Nghị định 29 (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức – PV)”, bà Hồng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN