Còn đào tạo ngược, còn nhiều cử nhân phải giấu bằng xin làm công nhân

“Tôi đã nói rất nhiều lần, nền giáo dục Việt Nam hiện đang đi ngược với xu thế các nước tiên tiến trên thế giới. Lẽ ra giáo dục đại học phải siết đầu ra, sàng lọc quá trình đào tạo thì ta chỉ chăm chăm quản lý đầu vào”.

PGS - TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lý giải về con số 162.000 cử nhân thất nghiệp và tình trạng cử nhân giấu bằng ĐH đi làm công nhân.

Còn đào tạo ngược, còn nhiều cử nhân phải giấu bằng xin làm công nhân - 1

Với quy trình đào tạo ngược như hiện nay thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao cũng là điều dễ hiểu (ảnh minh họa).

Ông nghĩ gì về con số 162.000 cử nhân thất nghiệp, không ít người phải giấu bằng, chịu khổ, chịu nhục để “được” làm công nhân trong các khu công nghiệp?

Đó là một sự lãng phí tiền của của xã hội và công sức đào tạo của Nhà nước mà không chỉ Việt Nam rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng bị… sa lầy. Tuy nhiên, xung quanh con số này, còn có rất nhiều những tác động mang yếu tố ngoại cảnh. Trong đó, suy thoái kinh tế là nguyên nhân lớn tác động mạnh đến điều này. Cả nước đã có hơn 300.000 doanh nghiệp phá sản trong thời gian gần đây. Vậy thử hỏi, nếu không có sự phá sản của 300.000 doanh nghiệp này, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng 1 người thì con số thất nghiệp kia chẳng phải giải quyết rất dễ dàng sao?

"Nước ta hiện có tới 435 trường ĐH, CĐ mà chỉ có 2 trung tâm kiểm định thì làm sao kiểm định được số lượng trường khổng lồ như vậy được. Bộ GDĐT cần có những tiêu chí rõ ràng, xây dựng được khung đánh giá chất lượng, có chế tài cho chính các trung tâm kiểm định nếu kiểm định không tốt".

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ

Nhưng thưa ông, theo các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực của nước ta, hàng năm vẫn thiếu hàng nghìn lao động cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp, vậy mà con số thất nghiệp vẫn rất lớn, như thế không thể đổ lỗi cho suy thoái kinh tế được?

Tất nhiên, suy thoái chỉ là tác động bên ngoài, chúng ta không né tránh việc đào tạo chất lượng lao động Việt Nam đang có vấn đề. Vấn đề nằm ở tất cả các khâu từ thi tuyển đầu vào, chương trình đào tạo, thi cử, cấp bằng, kiểm định đầu ra mà sản phẩm là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Báo chí cũng nói nhiều đến việc mở trường ĐH ồ ạt, mở ngành không phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng đó chỉ là một góc nhìn thôi. Không vì con số này và những phân tích mà chúng ta khuyên học sinh không nên vào ĐH, CĐ làm gì? Điều đó sẽ làm hoang mang dư luận xã hội.

Dư luận cho rằng, Bộ GD ĐT hiện mới chỉ quan tâm đến việc “siết” đầu vào mà thả lỏng quá trình đào tạo và đầu ra, đây cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng cử nhân không được thị trường lao động đón nhận, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi đã nói rất nhiều lần, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang đi ngược với xu thế các nước tiên tiến trên thế giới. Lẽ ra giáo dục đại học phải siết đầu ra, sàng lọc quá trình đào thì ta chỉ chăm chăm quản lý đầu vào với quan niệm có nguyên liệu tốt sẽ có sản phẩm tốt, như thế là sai lầm. Anh có nguyên liệu tốt nhưng anh chế biến ẩu thì chất lượng sản phẩm của anh cũng… nát bét. Bộ GDĐT bao năm nay vẫn loay hoay với việc thi cử thế nào để vào ĐH, CĐ; việc đòi các trường phải đủ diện tích này, diện tích kia… Vô hình trung đã tạo cho người học thói quen lười biếng.

Vậy theo ông, làm thế nào để “khớp” giữa cung – cầu nhân lực và thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay?

Để “khớp” tuyệt đối thì không thể có, chỉ có thể trở về thời kỳ bao cấp trước đây, nhà nước cử anh đi học rồi về bố trí công việc cho anh trong các cơ quan, xí nghiệp. Chỉ có thể “khớp” một cách tương đối bằng việc Bộ GD-ĐT phải có chế tài trong việc buộc các trường ĐH-CĐ đào tạo liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy. Các trường trong khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có cả phương án sẽ liên kết đào tạo, cung cấp nhân lực cho cơ quan, doanh nghiệp nào… Cùng với các doanh nghiệp đó, lôi kéo họ vào quá trình đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo giữa lý thuyết và thực hành phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của họ chứ không thể cứng nhắc với một khung chương trình như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Lãng phí hơn 10.000 tỷ đồng

GS Nguyễn Xuân Hãn - ĐH Quốc gia Hà Nội: “Hiện ta đang có 2,2 triệu sinh viên, con số cử nhân thất nghiệp là 162.000 người, nếu tính rẻ mạt nhất cũng tốn đến 10.000 tỷ đồng tiền mà Nhà nước và xã hội phải bỏ vào đó để đào tạo. Đó là một sự lãng phí khủng khiếp. Con số đó chắc chắn chưa tính đến một số lượng lớn cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân, làm lao động chân tay, đi buôn bán...  công việc này cũng là công việc có thu nhập, nhưng chất xám đào tạo đang bị hủy hoại”.

Tùng Anh (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN