Cẩn thận khi lựa chọn chương trình đào tạo nước ngoài

Bên cạnh nhiều chương trình đào tạo nước ngoài thật sự có chất lượng, giúp người học nâng cao kiến thức và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, cũng có không ít chương trình kém chất lượng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Nhiều lợi ích

Có thể nói chưa bao giờ nền giáo dục Việt Nam lại có sự bùng nổ về các hình thức đào tạo đại học như hiện nay. Bên cạnh đào tạo trong nước, nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học nước ngoài cũng nở rộ tại Việt Nam dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp mở cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo tại chỗ, đào tạo trực tuyến... Nhờ đó người học có nhiều sự lựa chọn hơn. Các chương trình này cũng đem lại cho người học rất nhiều lợi ích.

Đầu tiên, sinh viên có thể được tiếp cận với một phương pháp giáo dục chất lượng cao từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển lâu đời và uy tín như Mỹ, Anh, Úc…với chi phí thấp hơn đáng kể so với đi du học. Chẳng hạn, hiện nay mức học phí của trường ĐH Broward (Broward College, Mỹ) chi nhánh ở Việt Nam đang dao động ở mức 200 USD/tín chỉ, nhưng tại trụ sở chính ở Florida, mức học phí lại lên đến 363 USD/ tín chỉ, tức là gần gấp đôi so với mức học phí tại Việt Nam. Bên cạnh học phí, sinh viên còn có thể tiết kiệm được rất nhiều khoản chi khác trong cuộc sống hàng ngày khi học tại Việt Nam so với đi du học.

Ngoài ra, do được giảng dạy và trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh nên việc theo học các chương trình nước ngoài sẽ giúp cho sinh viên có nhiều cơ hội thực hành và nâng cao khả năng ngoại ngữ hơn so với các chương trình đại học trong nước. Từ đó, khả năng ngoại ngữ của những sinh viên này cũng tốt hơn và cơ hội nghề nghiệp nhờ đó cũng rộng mở hơn.

Cẩn thận khi lựa chọn chương trình đào tạo nước ngoài - 1

Lựa chọn sáng suốt khi tham gia các chương trình đào tạo nước ngoài là một bước đi đến thành công trong tương lai  

Trong quá trình tuyển dụng, như một quy luật bất thành văn, bằng cấp sinh viên có được từ các chương trình nước ngoài thường được đánh giá cao hơn bởi các nhà tuyển dụng khi sinh viên ra trường (so với bằng cấp của các cơ sở đào tạo trong nước), hoặc dễ dàng được chấp nhận rộng rãi khi chuyển tiếp lên học cao hơn tại các quốc gia khác. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp cho các chương trình nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn với các sinh viên Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong nước, sinh viên có thể đăng ký để học lên cao hơn tại các trường ĐH nước ngoài mà không cần thiết phải tốn công sức học lại từ đầu.

Mặt trái của các chương trình đào tạo nước ngoài

Các chương trình nước ngoài tại Việt Nam thực sự đã đem lại một luồng gió mới cho nền giáo dục đại học trong nước với nhiều lợi ích cho người học. Tuy vậy, thực tế cho thấy nó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ mà nếu người học không tỉnh táo lựa chọn sẽ dẫn đến sự lãng phí thời gian và tiền bạc vô ích. 

Một trong những vấn đề lớn đối với các chương trình giáo dục nước ngoài tại Việt Nam hiện nay chính là chất lượng của chương trình. Giữa hàng loạt các chương trình được quảng bá tại Việt Nam, không phải chương trình nào cũng thực sự có chất lượng, đem lại cho người học những kiến thức bổ ích cũng như một tấm bằng có giá trị.

Có rất nhiều trường nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phân loại là các cơ sở chuyên cung cấp bằng giả, bằng kém chất lượng (diploma mill). Các trường này thường được lập ra chỉ với mục đích kiếm lợi nhuận, chất lượng không được công nhận bởi các tổ chức giáo dục uy tín.

Cách đây vài năm, trường đại học Irvine University (viết tắt là IU) của Mỹ liên kết với khoa Quản trị kinh doanh thuộc Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo bằng thạc sỹ cho các học viên tại Việt Nam. Các học viên phải trả mức học phí 8.000 – 8.500 đô la Mỹ cho một chương trình nước ngoài trong vòng 2 - 2,5 năm nhưng lại được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Trên thực tế, IU là một trường không được kiểm định bởi bất kỳ tổ chức giáo dục uy tín nào tại Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tấm bằng mà các học viên nhận được không hề có giá trị sử dụng.

Một vấn đề khác đối với các chương trình nước ngoài tại Việt Nam hiện nay mà người học cũng cần lưu ý đó là thông tin quảng cáo thường không phản ánh đúng sự thật hoặc không đầy đủ các thông tin cần thiết. Nếu chỉ dựa trên các thông tin quảng cáo này để lựa chọn thì sinh viên rất dễ lựa chọn sai lầm.

Các trường “dỏm” của nước ngoài khi đến Việt Nam thường quảng cáo là uy tín và danh tiếng nhưng không hề công bố các thông tin liên quan đến loại kiểm định của trường. Đây thực sự là một nguy cơ đối với các sinh viên có ý định học lên cao hơn vì có thể đứng trước nguy cơ không được chuyển tiếp qua các trường ĐH của nước sở tại mà bắt buộc phải học lại từ đầu.

Theo như thống kê năm 2012 của tiến sĩ Mark Ashwill , nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) của Mỹ ở Việt Nam, phần lớn các chương trình đào tạo Mỹ hiện tại là của các trường thuộc loại kiểm định thường (còn gọi là kiểm định quốc gia, dành cho các trường đào tạo trực tuyến) hoặc thậm chí không hề có kiểm định, có rất ít chương trình thuộc loại kiểm định của các Hiệp hội Đại học (còn gọi là kiểm định vùng, loại kiểm định uy tính nhất của Mỹ). 

Cụ thể, theo tiến sĩ Mark Ashwill, có khoảng 22 cơ sở giáo dục chưa được kiểm định và khoảng 13 cơ sở thuộc loại kiểm định quốc gia của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, chỉ có 2 trường thuộc loại kiểm định vùng hiếm hoi đang hoạt động là trường Broward College và Troy University. Trong đó, Broward College được đánh giá là một trong 10 trường có hệ đào tạo hai năm (associate) tốt nhất nước Mỹ theo xếp hạng Aspen Institute - của một tổ chức hàng đầu chuyên nghiên cứu về giáo dục và chính sách có trụ sở ở Washington DC, Mỹ.

Chính vì lẽ đó, việc tìm hiểu kĩ càng cũng như so sánh đánh giá các chương trình nước ngoài trước khi quyết định lựa chọn được xem là một trong những yếu tố then chốt giúp người học tìm được chương trình học chất lượng, phù hợp với nhu cầu của mình, tránh được những trường hợp tiền mất tật mang chỉ vì cái mác ngoại. 

                                                                                                               

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN