Bài học rút ra từ vụ "ông ngoại" đánh "ông nội"

Mấy hôm rồi, dân tình xôn xao chuyện hai phó giám đốc “Sở ngoại” và “Sở nội” oánh nhau ở quán karaoke đến mức một ông phải nhập viện.

Nhiều người lăn tăn rằng các vị quan chức vốn là người đức cao vọng trọng thế sao tự dưng lại dở chứng oánh nhau vì chuyện tầm phào? Rồi sao lại đánh nhau ở quán karaoke vốn được coi là chỗ... “nhạy cảm”?

Câu chuyện trở lên đậm chất liêu trai hơn nữa bởi hai cái tên cơ quan Nội và Ngoại. Thậm chí có người còn cao hứng tếu táo rằng “ông ngoại” uýnh “ông nội” toác đầu.

Đúng là “miệng dân sóng bể”.  Người ta “có ít xít ra nhiều” thế thôi chứ theo bản tường trình của hai ông trong cuộc thì đây chỉ là sự hiểu lầm, chỉ là lỡ tay thôi chứ không có chuyện đánh đấm gì cả.

Tuy nhiên, từ những lời tường trình cụ thể của ông Khánh - người được cho là đã “ra đòn” trong vụ này, chúng ta có thể rút kinh nghiệm sâu sắc như sau:

“Tôi khẳng định là tôi lỡ tay chứ không cố ý đánh anh ấy. Khoảng gần 13 giờ ngày 11-8, có mấy người bạn rủ tôi ra quán karaoke”. Như vậy ông đã khẳng định là “bạn rủ” chứ không phải là đi tiếp khách như báo chí đưa tin trước đó. Nếu ông không đi với bạn trong giờ hành chính thì đã không gặp rắc rối này. Bài học rút ra là không nên trốn việc đi chơi, và nếu đi nhậu thì đừng nên đến chỗ “nhạy cảm”.

“Khi đến quán, tôi đi nhầm phòng nên thấy có anh Chung". Sự nhầm lẫn bao giờ cũng tai hại. Càng chức vụ to, sự nhầm lẫn càng phải trả giá đắt.

“Tôi bước tới phía bàn anh Chung để chào hỏi và mời một ly bia. Sau lời mời của tôi, anh Chung đứng dậy cầm ly bia để hai anh em cùng uống”. Nếu ông Chung không sốt sắng đứng dậy thì đã không bị lãnh đòn? Nếu thế thì bài học rút ra là trong khi nhậu, đừng nhiệt tình quá mức.

“Khi thấy anh Chung đứng dậy và đưa ly ra cụng, tôi vội đưa hai tay ra để giữ anh Chung ngồi xuống vì nghĩ mình nhỏ tuổi hơn anh Chung”. Dù có làm quan to đến đâu thì cũng vẫn cần phải tôn trọng người lớn tuổi. Dù là đồng cấp nhưng ông vẫn tỏ ra kính cẩn nghiêng mình chỉ vì ông Chung hơn tuổi, đó là đức tính vô cùng quý báu mà chúng ta cần học tập.

“Tuy nhiên, khi đưa tay ra thì vô tình chạm vào đầu anh Chung làm ly bia bị bể”. Từ việc này các nhà hàng phải rút kinh nghiệm, không được dùng ly quá mỏng đến mức vừa chạm nhẹ cái đã vỡ tan tành. Anh em dân nhậu cũng phải chú ý, lúc cụng ly cũng không nên quá hăng và quá mạnh, và quan trọng nhất, dù có say xỉn đến đâu thì cũng phải phân biệt được 2 khái niệm cụng ly và... cụng vào đầu.

“Mọi người gần đó nhìn thấy vậy tưởng là đánh nhau nên chạy đến đưa tôi ra ngoài và tôi cũng về luôn”. Điều này cho thấy bên cạnh bệnh mù màu còn có cả bệnh “mù hành vi”, họ có mặt làm chứng nhưng lại không phân biệt được đâu là hành vi xô xát đánh nhau, đâu là sự lỡ tay. Thế nên ở đời, nếu có muốn “đánh” ai, hoặc “mời” ai thì không nên công khai ở chỗ đông người, rất dễ bị hiểu lầm.

“Lúc đó tôi không biết anh Chung bị thương và mọi người tưởng lầm tôi đánh anh Chung”. Chứng tỏ “ông ngoại” rất hiền và nhẫn nhục. Mặc dù ông không biết ông Chung bị thương, không biết chuyện gì bất thường đang xảy ra, trong khi vẫn đang mời bia mọi người, nhưng bị người ta đưa ra khỏi phòng mà ông vẫn chấp hành, rồi ngoan ngoãn đi về, thậm chí ông còn chưa gặp được nhóm bạn mời ông đến đây. Bài học rút ra là làm lãnh đạo phải biết kiên nhẫn và kiềm chế.

Theo báo chí đưa tin thì lời tường trình của ông Chung cũng giống như của ông Khánh, nhưng lại rất mâu thuẫn với lời cấp trên của họ, tức là hai vị lãnh đạo của hai Sở trước đó đã cho rằng có xô xát. Từ đó, bài học cuối cùng rút ra là giữa cấp dưới và cấp trên không phải lúc nào cũng đồng quan điểm. Vì thế, khi đi uống bia thì nhớ mời cấp trên đi cùng để tránh bất đồng quan điểm (mỗi người nói một kiểu)!

HienMQ

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN