14.000 điện thoại ở Việt Nam đang bị nghe lén

Khoảng 14.000 điện thoại ở Việt Nam bị cài phần mềm theo dõi mà chủ nhân không hề biết.

Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện một doanh nghiệp hoạt động mua bán, cài đặt phần mềm nghe lén, theo dõi qua điện thoại trái phép.

Đó là Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng có trụ sở tại phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty này đã sử dụng một loại phần mềm gọi là Ptracker để theo dõi qua điện thoại. Qua phần mềm Ptracker, doanh nghiệp này có thể truy cập thông tin của rất nhiều người: ghi âm cuộc thoại, định vị, quay phim, chụp ảnh, xem tin nhắn, kiểm soát cuộc gọi,...

Nhiều người bị kiểm soát thông tin

Một cán bộ điều tra thuộc Đội 5 (PC50) cho hay, khoảng 14.000 điện thoại tại Việt Nam đã bị cài phần mềm Ptracker.

Theo cán bộ điều tra, phần mềm này thực chất là một ứng dụng giúp doanh nghiệp quản lý nhân viên qua điện thoại. Theo quảng cáo của công ty Việt Hồng: "PtrackerERP là giải pháp định vị điện thoại, quản lý/hỗ trợ nhân viên,giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để bài toán quản lý và hỗ trợ nhân viên kinh doanh."

Qua đó, người quản lý có thể biết nhân viên của mình đang ở vị trí nào, di chuyển tới đâu. Ngoài ra phần mềm này giúp doanh nghiệp lập kế hoạch, báo cáo, theo dõi đơn hàng,...

Để thực hiện được việc này, doanh nghiệp và nhân viên đều đã có sự thỏa thuận với nhau. Doanh nghiệp phải được nhân viên đồng ý cài phần mềm này vào điện thoại. Đây là quyền của mỗi doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phần mềm Ptracker được sử dụng không chỉ với mục đích này. Công ty Việt Hồng đã kinh doanh phần mềm này phục vụ cho nhiều người có mục đích cá nhân như người nọ theo dõi người kia. Một số công ty thám tử cũng đăng ký sử dụng dịch vụ này.

Toàn bộ dữ liệu từ những điện thoại này được tổng hợp về máy chủ của công ty Việt Hồng. Nhân viên của công ty Việt Hồng có thể tùy ý truy cập và khai thác thông tin của họ.

14.000 điện thoại ở Việt Nam đang bị nghe lén - 1

Muốn sử dụng phần mềm này để theo dõi, khách hàng phải trả tiền cho công ty Việt Hồng. Giá hằng tháng 400.000 đồng, 3 tháng là 900.000, 6 tháng là 1,2 triệu. Khách hàng sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu để truy cập vào kho dữ liệu trong máy chủ và kiểm tra thông tin người mình muốn theo dõi.

Rất dễ biến thành nạn nhân

Cán bộ điều tra còn cho hay, đương nhiên người muốn theo dõi phải lợi dụng sơ hở của người mình định theo dõi để cài phần mềm Ptracker vào điện thoại của họ. Cài đặt phần mềm này rất nhanh chóng, chỉ khoảng 2 - 3 phút. Điện thoại phải là smartphone chạy hệ điều hành Android.

Để theo dõi ai đó, điện thoại này phải được kết nối Internet. Bởi vậy phần mềm này còn có chức năng điều khiển từ xa. Theo đó, hễ chủ điện thoại tắt 3G thì người theo dõi có thể thâm nhập vào để bật lên.

Đại diện của công ty Việt Hồng khai rằng, phần mềm Ptracker được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2013 đến nay. Công ty này quảng cáo phần mềm Ptracker khá rộng rãi trên web và các mạng xã hội.

Công ty Việt Hồng còn có 4-5 đại lý kinh doanh phần mềm này. Ai muốn làm đại lý cũng rất dễ dàng, chỉ cần nộp 3 triệu đồng là được quản lý server.

Công ty Việt Hồng tạo ra 2 server để lưu trữ: Một server phục vụ mục đích quản lý doanh nghiệp và một server dành cho cá nhân. Hiện cơ quan chức năng đã phong toả server cá nhân, và lập biên bản để xử lý.

Theo cán bộ điều tra, một trong những biểu hiện để nhận biết mình bị theo dõi là người dùng tắt 3G trên điện thoại rồi nhưng bỗng dưng tính năng này tự động bật lên. 

Cán bộ PC50 cũng cho biết, công ty Việt Hồng không phải là trường hợp duy nhất và Ptracker không phải là phần mềm duy nhất hiện nay hoạt động kiểu “gián điệp” ở Việt Nam. Lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều đối tượng đang sử dụng phần mềm gián điệp để phục vụ mục đích cá nhân hoặc kiếm tiền.

Phần mềm gián điệp hiện trôi nổi rất nhiều. Có khi, các đối tượng dùng phần mềm nước ngoài và đặt server ở nước ngoài. Cơ quan chức năng không thể kiểm soát được vì vượt thẩm quyền.

Cán bộ điều tra cho rằng, tuy nói rằng công ty Việt Hồng bán phần mềm nhưng thực chất là bán thông tin khách hàng. Họ lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trong kho dữ liệu của họ. Nếu ai đó dùng những dữ liệu này để bán ra ngoài có thể gây hậu quả khôn lường.

Hiện cơ quan chức năng chưa phát hiện công ty Việt Hồng sử dụng dữ liệu này bán cho những kẻ có mục đích xấu. Tuy nhiên, vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra xem xét có dấu hiệu hình sự hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN