NSND Thanh Hoa ái ngại cho đời sống âm nhạc Việt

Sự kiện: Sao Việt

"Cô bé điên ấy lại cho tay lên đầu và mọi người lại xúm quanh và cười. Ái ngại cho cô bé, tôi đã mang cho cô bé điên ấy quần áo để mặc. Nhưng cô bé điên lại cởi bỏ hết quần áo mà tôi đưa. Câu chuyện lại lặp lại... Tôi không biết phải nói sao nữa, nên thương hại cho cô bé điên hay thương hại cho chính những người xúm đông xúm đỏ...", người nghệ sĩ tâm sự về đời sống âm nhạc Việt...

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa dù không còn bận với lịch diễn hàng đêm, nhưng vẫn rất bận rộn, tâm huyết với nghề qua những bài giảng dạy âm nhạc cho các kiều bào ở nước ngoài. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với chị Thanh Hoa về chuyện đời, chuyện nghề.

Cũng đã khá lâu chị mới lại tham gia một show truyền hình, đó là Giai điệu tự hào trên VTV. Vậy thì chị cảm nhận về chương trình như thế nào? Ngoài ra có nhiều nhận xét cho rằng, ý kiến của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau quá khác biệt nhau và điều đó đã gây ra dư luận trái chiều. Là người tham gia chương trình chị có ý kiến như thế nào?

- Là người tham gia chương trình Giai điệu tự hào, tôi cảm thấy đây là chương trình rất có ý nghĩa. Chương trình thật sự gay cấn, phản biện giữa hai thế hệ rất rõ ràng.

Tôi cho đấy là thành công của chương trình. Khi chúng ta càng có nhiều ý kiến khác biệt, sự cách xa nhau của hai thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ, chúng ta càng hiểu thế hệ trẻ đang nghĩ gì về thế hệ đi trước. Tôi cho đây có thể không phải là trực tiếp nhưng là gián tiếp để thế hệ già chia sẻ với thế hệ trẻ và ngược lại.

Theo tôi ở thế hệ trẻ các bạn hát những ca khúc đã đi vào lịch sử, bằng ngôn ngữ, phong cách của thế hệ các bạn cũng không sao, chỉ miễn các bạn vẫn giữ được hồn, cốt của bài hát.

NSND Thanh Hoa ái ngại cho đời sống âm nhạc Việt - 1

Thanh Hoa dùng câu chuyện cô gái điên trên phố để bàn về đời sống âm nhạc Việt

Vừa qua khán giả, cũng như trên các trang báo xôn xao về vụ việc âm nhạc mà không ít ý kiến cho rằng đó là nhạc “rác”. Vậy là ca sĩ của thế hệ đi trước, chị bình luận gì về điều này?

- Tôi chỉ kể ra đây một câu chuyện thật 100% mà tôi đã được chứng kiến của mấy năm về trước.

Lúc đó, tôi bán hàng nước ở 51 Trần Hưng Đạo, có một cô bé bị điên hàng ngày không mặc gì đi qua đây. Và dù là điên, nhưng cô bé cũng có ý thức che những chỗ nhạy cảm, nhưng có một lần vì quá ngứa đầu, cô ấy đã bỏ cả hai tay để gãi đầu, thì mọi người ồ cười.

Từ đó, cứ đi đến 51 Trần Hưng Đạo là cô bé điên ấy lại cho tay lên đầu và mọi người lại xúm quanh và cười. Ái ngại cho cô bé, tôi đã mang cho cô bé điên ấy quần áo để mặc. Nhưng mỗi khi cô bé ấy mặc vào, thì không có ai để ý hay xúm lại với cô nữa.

Cô bé điên lại cởi bỏ hết quần áo mà tôi đưa. Câu chuyện lại lặp lại như trên đã nói. Tôi không biết phải nói sao nữa, nên thương hại cho cô bé điên hay thương hại cho chính những người xúm đông xúm đỏ đó không.

Như chị từng chia sẻ, đời sống âm nhạc hiện đang có những sự lộn xộn, rối ren nhất định, giữa tài năng và may mắn đôi khi là ngang bằng nhau. Liệu đó có phải là lời than, lời oán giận?

- Tôi không hề oán giận. Kinh tế đang phát triển nhưng lại có những lỗ hổng văn hóa lớn, nhất là văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa của người nghệ sĩ…

Mặc dù tôi vẫn biết ở bất cứ thời kỳ nào, xã hội, đất nước nào cũng sẽ vẫn có những mặt tích cực và tiêu cực. Đấy là điều tất yếu của xã hội, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy buồn, đau xót khi bây giờ những điều xấu xảy ra nhiều hơn những điều tốt.

Tôi cho là đã đến lúc, không chỉ riêng một cá nhân, một tập thể nào đó, mà tất cả chúng ta, những con người góp phần tạo nên một xã hội cần phải nhìn lại, cần có trách nhiệm với bản thân mình, với văn hoá cộng đồng.

Được biết dù không còn bận rộn cho những đêm biểu diễn trên sân khấu, nhưng chị lại bận rộn cho những chuyến đi dài ngày ở nước ngoài với vai trò là giảng viên thanh nhạc. Vậy chị có thể chia sẻ lý do nào chị lại nhận lời làm giảng viên thanh nhạc ở nước ngoài?

- Đối với bà con, cộng đồng ở nước ngoài, tôi đã ấp ủ dự án “Tôi yêu tiếng nước tôi”, một cuộc thi hát của bà con, kiều bào ở nước ngoài cách đây 5 năm. Tôi nhận ra, âm nhạc đích thực của Việt Nam sẽ mãi trường tồn trong lòng các bà con, kiều bào ở nước ngoài.

Tuy nhiên, khát vọng được hát những ca khúc đi cùng năm tháng đó lại gặp khó khăn, khi họ không tự tin, không biết cách hát trên sân khấu. Và đấy là lý do, 3 năm trở đây, tôi trở thành giáo viên của bà con, kiều bào ở Tiệp Khắc và nước Đức.

Tôi khá bất ngờ khi có nhiều bà con hát rất hay, nếu so với mặt bằng chung những ca sĩ chuyên nghiệp ở Việt Nam, họ hát hay và có tài năng không kém.

"Nếu không có gì thay đổi, năm 2015, tôi cùng với Hội Yêu ca hát của kiều bào bên châu Âu tổ chức cuộc Liên hoan tiếng hát cộng đồng tại Đức, nơi là cái nôi âm nhạc của người Việt. Tháng 9, tôi sẽ tiếp tục sang giảng dạy tại Đức, Tiệp, Ba Lan, Hungari, cũng như nhiều nước khác” - NSND Thanh Hoa

Xin cảm ơn chị!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hà (Dân Việt)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN