Làm gì khi con gái nổi loạn?

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Em không ngờ mọi chuyện lại có thể rắc rối và khó xử đến như vậy.

Chị Thanh Tâm kính mến!

Em không ngờ mọi chuyện lại có thể rắc rối và khó xử đến như vậy.

Số là, vợ chồng em chỉ có duy nhất một cô con gái, năm nay 15 tuổi, đang học lớp 10. Vì là con một, nên vợ chồng em rất thương yêu, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cháu được học hành, giải trí và phát triển một cách tự nhiên. Suốt từ lớp 1 đến lớp 9 cháu đều là học sinh giỏi. Còn ở nhà cháu cũng luôn nghe lời cha mẹ, không bao giờ biết cãi lại điều gì.

Thế mà gần đây cháu lại trở chứng, cứ thích làm ngược lại với những điều cha mẹ dạy bảo. Vợ chồng em luôn khuyên cháu hãy chăm lo chuyện học, cứ học giỏi thì lớn lên sẽ có tất cả. Nhưng cháu lại xao nhãng việc học hành, thưởng tụ tập với mấy đứa bạn đi xem hát hay chơi game, kết quả học tập gần đây kém hẳn. Vợ chồng em cũng không ít lần nói gần nói xa về chuyện “nam nữ luyến ái”, vì cũng lo cháu sa vào chuyện yêu đương sớm sẽ gặp những chuyện không hay. Nhưng cháu lại bỏ hết ngoài tai, hiện đang yêu cuồng nhiệt một cậu học lớp 12. Có đêm đến hơn 2 giờ sáng, em vào phòng kiểm tra thì thấy còn bé vẫn còn thức để chat chít với bạn trai. Vợ chồng em thường nhắc cháu phải chi tiêu tiết kiệm, vì gia đình không mấy khá giả, cuộc sống đang bộn bề khó khăn, thì cháu lại cứ thích chưng diện, luôn xin tiền bố mẹ để mua sắm áo quần, phấn son, mặc dù trước đó vợ chồng em đã mua cho cháu đầy đủ…

Em nhớ lại, mình ngày xưa đâu có như vậy. Chỉ mới 13, 14 tuổi mà em đã rất biết nghĩ, biết lo lắng chuyện nhà, biết làm đủ mọi việc để đỡ đần cha mẹ… Tại sao con gái em bây giờ lại như vậy? Liệu có phải vì sớm tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, môi trường xã hội phức tạp mà cháu có những biểu hiện “dị thường” như vậy hay không? Em phải làm gì để con gái mình “thuần tính” trở lại?

Mai Hương (TP Vũng Tàu)

Làm gì khi con gái nổi loạn? - 1

Nếu cha mẹ không khéo léo thì có thể sẽ khiến trẻ “nổi loạn”, cố tìm cách vượt ra khỏi mọi khuôn phép, chuẩn mực (Ảnh minh họa)

Mai Hương thân mến!

Mỗi con người sinh ra và trưởng thành trong một hoàn cảnh, môi trường khác nhau thì sẽ có những diễn biến tâm lý không giống nhau. Bạn không nên so sánh tuổi mới lớn của mình với con gái. Vì ngày xưa khi bạn còn nhỏ, cuộc sống không đa dạng và phức tạp như bây giờ. Bạn cũng không có điều kiện để tiếp cận với những trào lưu văn hóa phong phú và đầy cuốn hút như bây giờ. Bạn hãy mở lòng để cảm thông với con gái của mình. Và cũng chỉ có bạn mới có thể nhận biết những phương cách để dạy dỗ, giáo dục con gái mình cho phù hợp với điều kiện hiện tại.

Có lẽ do tuổi thơ đã trôi qua từ khá lâu nên đến giờ bạn không còn nhớ những diễn biến tâm lý ở cái thời mà mình vừa mới dậy thì. Tôi chắc rằng, hồi ấy ngoài những đức tính mà bạn vừa kể trên, tâm lý bạn còn có những diễn biến thầm kín khác, mà do điều kiện, hoàn cảnh khi ấy, đã không thể bộc lộ ra thành hành động cụ thể. Nhưng với con gái bạn thì khác. Cuộc sống hiện đại cho phép người trẻ tiếp cận nhiều hơn với các dòng văn hóa, các phong cách sống. Cũng qua đó, nhu cầu thể hiện bản thân rõ ràng hơn, thậm chí là quyết liệt hơn. Nhiệm vụ của người lớn chúng ta không phải là uốn nắn, buộc chúng phải đi theo một “lối mòn” đã định sẵn, mà là phải làm sao định hướng để chúng có thể đi trong một hành lang khá thông thoáng, biết cách vượt qua những chướng ngại để dần tiến tới mục tiêu là trở thành người lương thiện, có ích.

Tâm lý tuổi dậy thì hiện giờ diễn biến khá phức tạp. Nếu cha mẹ không khéo léo thì có thể sẽ khiến trẻ “nổi loạn”, cố tìm cách vượt ra khỏi mọi khuôn phép, chuẩn mực. Những biểu hiện của con gái bạn cũng là một dạng “nổi loạn” này đến từ chính việc vợ chồng bạn cứ thường xuyên “lên lớp” bằng những bài học đạo đức khô khan và giáo điều. Ta nên từ bỏ kiểu giáo dục này, phải tìm cách tiếp cận con cái một cách tế nhị và “hợp thời” hơn. Muốn vậy, bạn phải tìm hiểu kỹ về những đặc tính của tuổi trẻ hiện nay, nhất là các sở thích, thói quen, để trở thành người bạn thực thụ và bình đẳng của con. Tuyệt đối không nên “đứng ở trên” để răn dạy, vì cách đó sẽ không được trẻ tiếp nhận với thái độ tích cực, nhiều khi còn phản tác dụng.

Khi đã trở thành bạn, được con tin cậy, thì bạn sẽ tìm ra cách để định hướng cho con đi đúng với những chuẩn mực đạo lý, gia phong. Và khi ấy, sự “nổi loạn” trong con bạn sẽ dần dịu xuống, mọi chuyện sẽ trở nên dễ xử lý hơn.

Chúc bạn thành công!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Tâm (Hạnh phúc gia đình)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN