Khó xin việc, thủ khoa đi buôn quần áo

Tốt nghiệp thủ khoa ngành kế toán một trường dân lập mà khó xin được việc làm, Nguyễn Thị Mai đã quyết tâm lên Điện Biên lập nghiệp với nghề bán quần áo.

Thủ khoa từng trượt đại học

Không chỉ là sinh viên đầu tiên của ĐH Hòa Bình tốt nghiệp với số điểm 9,06/10, Nguyễn Thị Mai còn là một trong 132 gương mặt thủ khoa xuất sắc được Thành đoàn Hà Nội vinh danh. Ít ai biết được rằng con đường học tập của nữ thủ khoa này cũng gặp không ít lận đận.

Năm 2009, lần đầu tiên tham dự kỳ thi đại học, Mai đỗ cùng lúc hai trường Viện ĐH Mở và CĐ Sư phạm Hưng Yên và chọn ngành tiếng Anh của trường cao đẳng quê mình để theo học.

Nhưng chỉ sau một học kỳ, nhận thấy mình chưa thực sự muốn trở thành giáo viên và khả năng xin được việc làm tại quê hương rất khó khăn, Mai quyết tâm ôn thi lại.

Tiếc thay, Mai chỉ được 18,5 điểm nên không đủ đỗ vào nguyện vọng 1 và 2 của ĐH Thương mại. “Thời điểm đó mình rất buồn, suy sụp vì trượt đại học và không biết tương lai sẽ đi về đâu. Lúc đó, một người bạn thân tình cờ giúp mình nộp hồ sơ vào ĐH Hòa Bình”, Mai chia sẻ.

Nữ thủ khoa tâm sự: “Quyết định theo học một ngôi trường mới thành lập, ít danh tiếng, thời gian đầu, mình tự an ủi học ở đâu cũng vậy đều nhằm mục đích lấy kiến thức sau này đi làm. Trong quá trình học, đôi khi mình cũng băn khoăn không biết sự lựa chọn này là đúng hay sai. Nhưng cảm nhận được sự nhiệt tình, thân thiện, hết lòng vì học trò của các thầy cô giáo, mình quyết tâm đi đến cùng và cố gắng hết để đạt được kết quả cao nhất”.

Khó xin việc, thủ khoa đi buôn quần áo - 1

Thủ khoa ĐH Hòa Bình Nguyễn Thị Mai.

Khởi nghiệp bằng nghề bán quần áo thuê

Tốt nghiệp với tấm bằng loại xuất sắc chuyên ngành kế toán, ĐH Hòa Bình, Mai cũng bắt đầu công cuộc đi xin việc làm như bao cử nhân khác.

Nhưng quá trình xin việc khiến cô nhận ra nhiều bất cập “muốn xin vào làm nhà nước thì cần tiền và quan hệ. Chuyên ngành kế toán đang thừa nhân lực, nếu xin được việc mức lương khởi điểm chỉ hơn 3 triệu đồng rất khó để trụ lại một thành phố lớn như Hà Nội”.

Hơn nữa, dù là thủ khoa nhưng do tốt nghiệp trường dân lập, ít người biết đến nên cô “tự dưng bị đánh giá thấp hơn những cử nhân khác. Một số doanh nghiệp tư nhân không quan trọng ứng viên tốt nghiệp trường nào, chỉ phỏng vấn xem mình có làm được hay không. Nhưng nhiều doanh nghiệp lớn họ sẽ quan tâm đến ngôi trường mình từng theo học và sẽ có sự phân biệt”.

Sau một thời gian chán nản vì khó xin việc tại Hà Nội, cô thủ khoa từ bỏ ý định bám trụ lại thủ đô như nhiều cử nhân khác mà quyết định rẽ sang con đường mới.

Mai cho rằng: “Bất cứ ai đi học đều có chung mục đích là kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thay vì cố gắng tìm việc, mình quyết định kinh doanh. Mình tin rằng những kiến thức đã được trau dồi trong suốt 4 năm qua vẫn sẽ có ích trong tương lai”.

Nhiều lần nghỉ hè lên Điện Biên thăm người nhà, Mai nhận thấy công việc bán quần áo ở thành phố này rất phát triển với lượng khách hàng tiềm năng lớn, nhu cầu mua sắm cao.

Khó xin việc, thủ khoa đi buôn quần áo - 2

 Nhiều lần lên Điện Biên chơi và phụ giúp người thân bán quần áo, nữ thủ khoa đã quyết tâm chọn nơi này để khởi nghiệp.

Gia đình cũng có người kinh doanh mặt hàng này, vì vậy đầu tháng 9, Mai đã quyết định sẽ lên đây học buôn quần áo, bắt đầu từ việc đi bán thuê. Cô cũng cho biết: “Nhiều người làm công chức, viên chức ở đây với mức lương 5-7 triệu cũng bỏ về kinh doanh”.

Với sự hỗ trợ của bố mẹ và các chị, Mai chia sẻ đã có được một số vốn nhất định để sau thời gian học việc có thể tự mở một cửa hàng quần áo của riêng mình tại Điện Biên. Mai chia sẻ: “Mình nghĩ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là khoảng thời gian thích hợp để bắt đầu công việc kinh doanh này”.

Buồn lòng khi biết được thông tin nhiều tỉnh thành không tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường dân lập. Nhưng với sự quyết tâm của bản thân, Mai hy vọng công việc kinh doanh sẽ diễn ra thuận lợi, khi lớn mạnh hơn chính cô sẽ tuyển những sinh viên học trường dân lập như mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Hoàng (ZING.vn)
Thiếu nữ và cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN